Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành chính sách giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn để góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4296/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Giảm 35 khoản phí, lệ phí
Theo công văn trên, để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN và người dân trong năm nay, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ ngày 1-7 đến hết 31-12.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; rà soát và đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí, thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư theo quy định.
Chính sách giảm các loại phí, lệ phí đã được triển khai trong các năm 2020, 2021 và 2022 để hỗ trợ người dân, DN. Gần nhất trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Thông tư 120/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giảm mức thu từ 10%-50% đối với một số khoản phí, lệ phí như: Lệ phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phí xác minh giấy tờ, tài liệu trong nước; lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phí thẩm định thiết kế phòng cháy và chữa cháy…
Doanh nghiệp mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí
Đáng chú ý, chính sách giảm phí sử dụng đường bộ được người dân, DN đánh giá cao. Cụ thể, theo Thông tư 120/2021/TT-BTC, tiếp tục giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với ôtô vận chuyển hành khách và 10% đối với xe tải trong 6 tháng đầu năm 2022. Chính sách này sau đó được nhiều DN kiến nghị kéo dài để hỗ trợ vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cũng giảm 50%, nhận được sự đồng thuận cao của DN, người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm có báo cáo Chính phủ về việc giảm các loại phí, lệ phí, trong đó tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ để hỗ trợ DN vận tải. Theo ông Bằng, sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, DN cần được trợ lực từ các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí.
Hiện phí sử dụng đường bộ của một xe khách trên 40 chỗ là 590.000 đồng/tháng, nếu được giảm 30% thì tương đương 177.000 đồng/xe. “Với những công ty vận tải có số lượng xe lớn, việc giảm phí sử dụng đường bộ sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể” – ông Bằng nói.
Thu ngân sách sẽ giảm 700 tỉ đồng
Trong 3 năm gần đây, để hỗ trợ DN, người dân, căn cứ quy định của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát và ban hành theo thẩm quyền các thông tư để quy định việc giảm mức thu nhiều khoản thu phí, lệ phí. Số tiền phí, lệ phí đã thực hiện miễn giảm trong năm 2020 và 2021 là khoảng 2.000 tỉ đồng/năm, còn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 900 tỉ đồng.
Với việc tiếp tục đề xuất giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí trong năm nay, Bộ Tài chính cho rằng mặc dù đạt được mức tăng trưởng ổn định, lạm phát được giữ vững nhưng triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá sẽ còn nhiều thách thức. Do vậy, quan điểm của Bộ Tài chính là phải có các giải pháp hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn.
Để thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí theo đề xuất nêu trên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định sau khi phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và đề xuất mức giảm cụ thể đối với các khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để các giải pháp sớm đưa vào thực hiện. Dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khoảng 700 tỉ đồng khi thực hiện giảm phí, lệ phí năm 2023.
Đề xuất của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình cao của cộng đồng DN và người dân. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng đây là biện pháp rất thiết thực để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn.
“Cộng đồng DN nói chung và DN vận tải nói riêng mong muốn Chính phủ tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, qua đó tạo điều kiện cho DN có nguồn tài chính để kịp thời phục hồi sản xuất – kinh doanh” – ông Liên nói.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương, góp ý Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, lấy ý kiến từ thực tế DN, người dân để giảm các loại phí, lệ phí có sự tác động lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, như vậy chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả lớn.
“Việc giảm phí, lệ phí sẽ hụt thu ngân sách nhưng đây sẽ là “liều thuốc” để DN phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho nguồn thu ngân sách” – TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Khẩn trương trình phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Song song đó, tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô.
|
MINH CHIẾN (theo NLĐ)