Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, ngay khi có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện chính sách và góp ý đối với dự thảo chính sách phát triển giáo dục mầm non của địa phương.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành cách văn bản quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ về thủ tục thực hiện chính sách sách hỗ trợ ăn trưa, trợ cấp trẻ em con công nhân và hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được tốt nhất. Cụ thể, trong 2 năm thực hiện Nghị định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, sau 2 năm việc thực hiện Nghị định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Quá trình tham mưu, ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ cụ thể theo thẩm quyền ở một số địa phương còn chậm. Đến nay, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định việc thực hiện chính sách địa phương. Vẫn còn hơn 20 tỉnh chưa ban hành Nghị quyết Hội đồng Nhân dân quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em và giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Các khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp.
Đầu tư cho giáo dục mầm non tại một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước và mới chỉ tập trung cho các cơ sơ giáo dục mầm non công lập. Các ý kiến cũng chỉ ra thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là của giáo viên mầm non ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động và tính chất công việc. Đồng thời, mức hỗ trợ chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non còn thấp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non là một văn bản quan trọng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện; đã có nhiều cách làm, phương pháp để thực hiện Nghị định này.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
“Bộ GD&ĐT cũng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” và Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách”, bà Minh cho hay.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương chú trọng, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội. Bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; có chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn.
Theo baodansinh.vn