Lúa chín đầy đồng, máy gặt, thương lái vắng hoe là hình ảnh ảm đạm đang hiện hữu trên các cánh đồng lúa bạt ngàn tại vựa lúa lớn nhất cả nước – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ trước đến nay nông dân chưa bao giờ gặp phải một vụ lúa đầy trắc trỡ như vậy, đó là câu than vãn của nông dân miền Tây trong vụ lúa này.
Tất cả đều do COVID-19
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hoàng Thi, nông dân ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên tất cả tài xế lái máy gặt đập, thương lái, nhân công thu hoạch lúa muốn đến địa phương đều phải test COVID-19 (3 ngày/lần). Quy định phòng dịch phải chấp hành nhưng đối với vùng nông thôn thì mỗi lần test phải đi ra huyện, mà muốn đi ra tới huyện lại phải xin giấy đi đường rất nhiêu khê. Chính vì khó khăn như thế mà việc thu hoạch và bán lúa của bà con rất khó khăn, đó là chưa kể giá lúa rớt xuống mức thấp trong 2-3 vụ lúa gần đây.
“Tuy nhiên, khu vực này còn đỡ, ở ấp Vĩnh Hiệp kế bên do là khu vực cách ly y tế nên không có máy gặt, hay thương lái nào dám vô vì sợ sau khi đến đây về phải cách ly 14 ngày nên lúa chín rục ngoài đồng cũng không có người đến gặt”, ông Thi thông tin.
Từ trước đến nay nông dân chưa bao giờ gặp phải một vụ lúa đầy trắc trỡ như vậy, đó là câu than vãn của nông dân miền Tây trong vụ lúa này.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 2/3 diện tích lúa Hè thu (tương đương khoảng 1 triệu ha), trong tháng 8 này sẽ tiếp tục thu hoạch thêm 400.000ha, cho thấy áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa hiện nay đang rất lớn.
Đáng quan tâm là vào nửa cuối tháng 8, đầu tháng 9, vùng này sẽ thu hoạch thêm 370.000ha lúa Thu đông sớm, như vậy áp lực nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, giá lúa dù đã giảm 400-500 đồng, thậm chí 1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân, nhưng thương lái vẫn đang vắng bóng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, việc đi lại thu mua lúa gặp nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp chế biến, một số phải dừng vì không đủ điều kiện sản xuất “ba tại chỗ”, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng 20-30% công suất. Việc ùn ứ hàng hóa, các cảng thông báo tạm ngưng nhận hàng cũng làm ách tắc đầu ra xuất khẩu.
“Những khó khăn nêu trên nếu không sớm được khắc phục thì mục tiêu xuất khẩu từ nay đến cuối năm từ 2,4-2,7 triệu tấn gạo rất khó đạt được”, ông Tùng nói.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo do NN&PTNT diễn ra vào ngày 7/8 vừa qua, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Công tác kết nối tiêu thụ nông sản 970 cho biết, các tỉnh vẫn tiếp tục thu hoạch Hè thu và chuẩn bị Thu đông sớm; bên cạnh đó, 90% diện tích lúa tôm ở vùng Bán đảo Cà Mau đã được thu hoạch. Như vậy, có thể khẳng định sản xuất lúa năm nay có chiều hướng rất tốt, tình dịch bệnh được kiểm soát, sản lượng rất lớn.
“Theo báo cáo của các địa phương thì lúa gạo ách tắc vì lý do này lý do nọ, nhưng theo thông tin của chúng tôi có được, hiện nay cũng có nhiều nước do dịch COVD-19 ảnh hưởng đến an ninh lương thực, họ cũng muốn mua gạo thêm để dự trữ. Như vậy, chúng tôi đánh giá khả năng nhu cầu là rất lớn. Ba ngày nay, giá lúa bắt đầu lên lại được 5.200 đồng/kg rồi và nhân đây tôi cũng nói thật với VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) và các doanh nghiệp cũng phải suy nghĩ thêm. Chúng tôi đã vào đây để tháo gỡ khó khăn để lưu thông tất cả, tạo điều kiện hết, nhưng sao doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua lúa. Chúng tôi tha thiết đề nghị doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa cho bà con”, Thứ trưởng Nam kêu gọi.
Làm sao để tháo ách tắc?
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bên cạnh các khó khăn khách quan là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì vẫn tồn tại những vướng mắc chủ quan, đó là một bộ phân không ít doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi giá lúa xuống hơn nữa mới thu mua để đạt lợi nhuận cao hơn.
Do hiện nay muốn duy trì sản xuất thì doanh nghiệp phải áp dụng “ba tại chỗ” phải lo chỗ ăn nghỉ cho công nhân, phải trả lương tăng thêm công nhân mới chịu làm, tất cả những cái này đổ lên giá thành 1kg gạo sản xuất tăng lên, nhiều doanh nghiệp cho biết đóng cửa nhà máy bây giờ sẽ ít lỗ hơn phải duy trì sản xuất.
Việc đi thu mua lúa của thương lái cũng gặp rất nhiều khó khăn khi quy định giữa các địa phương khác nhau, tỉnh này sang tỉnh kia rất khó, khi đi ra khỏi địa phương lúc quay về phải cách ly y tế… “Tôi kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL là phải thống nhất với nhau khi phương tiện có gắn mã nhận diện và người đi trên phương tiện có kết quả test âm tính còn hiệu lực thì cho phép lưu thông bởi vì cả vùng ĐBSCL hiện nay đều đang áp dụng Chỉ thị 16 như nhau. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải khơi thông dòng vốn lãi suất thấp để doanh nghiệp có tiền mua lúa tạm trữ”, ông Thư nói.
Ông Thư cũng cho rằng, hiện nay trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất do Bộ Công Thương công bố có 2 “ông lớn” là Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1 và Vinafood 2), nhưng hiện nay 2 ổng này đang “án binh bất động”, kho để trống không biết lý do tại sao, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang hết sức nỗ lực thu mua lúa cho nông dân, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT phải làm việc với 2 doanh nghiệp này vì đây là hai doanh nghiệp nhà nước”, ông Thư kiến nghị.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, để tháo gỡ ách tắc cho ngành hàng lúa gạo thì phải tháo gỡ cho cả chuỗi. Nếu doanh nghiệp tồn kho không xuất bán được đóng cửa thì thương lái mua lúa về bán cho ai. Không có thương lái thì nông dân bán lúa cho ai vì đa số nông dân sản xuất tự do và phụ thuộc vào thương lái.
“Tôi đồng ý không mua dự trữ quốc gia, nhưng cho doanh nghiệp được tự nguyện tham gia mua tạm trữ. Để làm được điều này thì ngân hàng phải đáp ứng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi ngoài hạn mức”, ông Bình nói.
Trước tình hình hiện nay, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện cam kết liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để lưu thông hàng hóa, tháo gỡ ách tắc đầu ra cho nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng vì chỉ cần “vấp ngã” ở một khúc nào đó thì sẽ gây ùn tắc cho cả chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, Bộ trưởng Hoan cũng đề nghị Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả vật tư đầu vào, khơi thông nguồn vốn cho các ngành sản xuất, cùng chung tay với doanh nghiệp, nông dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
“Các tỉnh đều nói với Bộ với Chính phủ chúng tôi hết sức tạo mọi điều kiện cho lưu thông hàng hóa, nhưng không hẳn nó như vậy, bởi vì các đồng chí ở tỉnh cam kết nhưng ông đứng ở huyện, ở xã nhiều khi không nghĩ như vậy. Tôi ở ngoài này nhiều khi người ta gửi một đoạn clip vì đi lại không được. Thường nhiều ông có được một tý quyền thì đã khó khăn rồi, cho nên tôi để nghị các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi với nhau để tháo gỡ các vướng mắc như vậy. Thủ tướng nói không ngăn sông cấm chợ nhưng 2 tháng nay vẫn còn tình trạng này. Chúng ta thống nhất là xử lý tình huống tại thời điểm này còn câu chuyện lâu dài của ngành lúa gạo ĐBSCL cũng đã đến lúc ngồi lại và nhìn lại ở tầm dài hạn hơn”, Bộ trưởng Hoan nói.
Theo NĐT