Giá bình gas 12kg vượt mức 500.000 đồng
Giá gas Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2022 tại Hà Nội là 499.000 đồng/bình dân dụng 12 kg, tăng 44.200 đồng/bình so với giá bán tháng 2; 1.995.900 đồng/bình công nghiệp 48kg, tăng 176.900 đồng/bình 48 kg so với giá bán tháng 2. Giá gas bán lẻ của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng tăng 42.000 đồng/bình 12kg khiến giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của gas SP là 502.000 đồng/bình 12kg. Giá gas bán lẻ của CTCP thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 21.000 đồng/bình 6kg, 42.000 đồng/bình 12kg và 157.500 đồng/bình 45kg.
Giá nhiên liệu biến động mạnh trong tháng 3 đã đẩy giá gas bán lẻ lập kỷ lục trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng. “Giá gas trong nước tháng 3 tăng mạnh là do giá gas thế giới bình quân tháng 3 ở mức 907,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, giá gas trong nước điều chỉnh theo mức tăng tương ứng”, ông Vũ Đào Tùng Phương, Trưởng phòng kinh doanh gas dân dụng và thương mại, Tổng Công ty Gas Petrolimex cho biết.
Trước đó, ngày 1/2, giá gas bán lẻ trong nước cũng tăng với mức tăng 16.000 đồng/bình 12 kg. Tính chung những tháng đầu năm 2022, giá gas có 1 lần giảm với mức giảm 10.000 đồng/bình 12 và 2 lần tăng với tổng mức tăng 58.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, cùng với mặt hàng xăng dầu, giá mặt hàng gas cũng tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Đến cuối tháng 2, đầu tháng 3, các nước châu Á, châu Âu và Mỹ vẫn có nhu cầu nhiên liệu, khí đốt cao khiến giá gas thế giới tăng vọt. Ngày 28/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 yếu tố làm tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (vật liệu xây dựng), và giá gạo, đồng loạt tăng.
Gas đắt xoay sang dùng điện
Với việc giá gas trong nước tăng mạnh, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nhiều người tiêu dùng đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nhiên liệu. Theo các cửa hàng điện máy, thời gian qua, số lượng khách hàng tìm hiểu và chọn mua bếp từ, bếp điện tăng cao hơn trước. Phân khúc dòng sản phẩm được nhiều người lựa chọn là mức từ 3-5 triệu đồng/bếp đôi.
Chị Nguyễn Minh Hà, bán cháo sườn trên phố Châu Long (Hà Nội) cho biết, chị dùng bếp gas để ninh xương và quấy cháo sườn nên mỗi tháng dùng hết 1 bình gas 45 kg. Với giá gas tăng liên tục từ đầu năm đến nay nhưng giá bán cháo sườn không thể tăng do dịch bệnh khó khăn, người tiêu dùng càng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, chị quyết định mua 1 nồi điện để hầm xương nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng liên tục làm vệ sinh bếp gas công nghiệp, không để muội bám dính nhằm nâng cao hiệu suất đun nấu, chị Sinh cho biết.
Cũng nhằm mục đích tiết kiệm chi phí nhiên liệu hàng tháng, bà Hoàng Thị An (TP Vinh, Nghệ An) quyết định chuyển sang dùng bếp điện từ thay thế cho bếp gas. Theo tính toán của An, đun bếp từ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian đun nấu mà còn tiết kiệm nhiệt năng do làm nóng trực tiếp đáy nồi và không bị tỏa nhiệt lượng ra bên ngoài như bếp gas. Hơn thế nữa, đun bếp từ cũng an toàn hơn nhiều so với đun bếp gas ở khía cạnh an toàn cháy nổ. Bởi thực tế, đã có không ít người tiêu dùng mua phải gas giả sang chiết lậu, nguy cơ cháy nổ lớn. Để chuyển sang đun bếp từ, gia đình bà sẽ phải sắm bộ nồi inox dùng cho bếp từ nên cũng sẽ tốn 1 khoản tiền tối thiểu là 3 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá điện sinh hoạt như hiện nay, đun bếp sử dụng điện sẽ an toàn và tiết kiệm hơn bếp gas. “Trước đây, tôi còn băn khoăn về việc mua bếp từ, vì “đầu tư” ban đầu hơi tốn kém, nhưng so sánh lợi ít kinh tế lâu dài, rõ ràng sử dụng bếp từ rẻ hơn bếp gas nhiều. Cụ thể, trước đây mỗi tháng, gia đình tôi sử dụng hết 1 bình gas loại 12kg với giá hiện tại là 500 nghìn đồng, trong khi sử dụng bếp từ chỉ tiêu tốn chưa đến một nửa số tiền đó”, bà An nói.
Với những sinh viên, người lao động thuê trọ hiện đang phải chi trả tiền điện với giá khá cao, khoảng 3000 – 3500 đồng/kw thậm chí, một số nhà trọ thu lên đến 4.000 đồng thì việc chuyển từ sử dụng bến gas để nấu nướng sang bếp dùng bằng điện không mấy hiệu quả. Vì thế, để ứng phó với giá gas tăng cao, xóm trọ quyết định không nấu ăn riêng rẽ như mọi khi mà sẽ “góp gạo thổi cơm chung”, khoảng 2-3 phòng trọ nấu cùng nấu ăn. Như vậy, cùng một lần bật bếp gas lên sẽ nấu được thức ăn cho cả nhóm và điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm được chi phí cho mua gas hàng tháng.
Theo baodansinh.vn