Sáng 28/7, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế vĩ mô Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025: Vượt khó khăn để bứt phá”.
Hội thảo lần này nhằm phân tích sâu sắc bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, tập trung vào các chỉ số then chốt của nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, điều hành tiền tệ – tín dụng, ngân sách, và nợ công,… Đồng thời, Hội thảo cũng sẽ đưa ra các kịch bản kinh tế vĩ mô cho 6 tháng cuối năm 2025 – làm cơ sở quan trọng để hoạch định chính sách ứng phó với mọi tình huống.
Nửa đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: tăng trưởng GDP ấn tượng, môi trường đầu tư – kinh doanh cải thiện rõ rệt, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, nông sản tiếp tục bứt phá, thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52% là mức cao trong khu vực và phản ánh khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức. Sức cầu nội địa chưa phục hồi rõ rệt. PMI vẫn dưới 50 điểm trong phần lớn thời gian nửa đầu năm nay, sản lượng điện chỉ tăng 4% và tiêu thụ xăng dầu giảm cho thấy mức độ phục hồi chưa thực sự chắc chắn.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2025, xuất khẩu sang Mỹ sẽ chỉ tăng khoảng 5-7%, trong khi các thị trường như Trung Quốc, ASEAN cũng chịu ảnh hưởng từ sức mua suy giảm và cạnh tranh giá rẻ từ hàng hóa Trung Quốc. Trong nước, doanh số bán lẻ giảm tốc từ tháng 5, tiêu thụ xăng dầu giảm cả về giá và sản lượng…
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, việc tỷ giá hợp lý trong môi trường biến động, điều hành linh hoạt lãi suất, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng được xem là những yếu tố then chốt giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hiện ở mức thấp, khiến dư địa điều hành chính sách trong nửa cuối năm không còn nhiều. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng và xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn chưa rõ ràng, nhiều chuyên gia khuyến nghị NHNN nên tập trung vào mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên thông qua điều tiết tín dụng có chọn lọc.
Các chuyên gia nhận định rằng, trong nửa cuối năm nay, các lĩnh vực FDI, đầu tư công và tăng trưởng tín dụng sẽ là các trụ cột hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cả nước. Trong đó, ở lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ dự kiến giải ngân trong năm 2025 với quy mô 700.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng và đô thị.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ và đang có chiều hướng tăng tích cực.”, vì thế sẽ hỗ trợ tăng trưởng trung hạn. Tín dụng tăng trưởng 6 tháng đầu năm ở mức 9,9% – theo thống kê của NHNN.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3-8,5% trong năm nay, tín dụng cả năm cần tăng ít nhất 18-19%, cao hơn mức định hướng ban đầu 16%.
Văn Hảo – Thành Mỹ