Khác với những năm trước, năm nay các nhà phân phối đặc biệt chú trọng và lên kế hoạch tăng dự trữ mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết từ sớm.
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, thời điểm này các doanh nghiệp đang tập trung, chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa để đảm bảo nguồn cung dồi dào, phong phú và cam kết giữ giá ổn định để phục vụ thị trường mua sắm dịp Tết 2022.
Chuỗi siêu thị BigC & Go Market tăng lượng hàng thực phẩm tươi sống như các loại thịt, cá lên 50% so với thời điểm cách đây 1 tháng; các loại rau, hoa quả cũng được dự trữ đảm bảo cung ứng liên tục trong khoảng 1 tuần. Những ngày này, lượng hàng tươi sống thường xuyên chiếm tới 70% trong cơ cấu các mặt hàng được bày bán tại hệ thống siêu thị này.
“Đây là các mặt hàng chúng tôi chú trọng đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. Chúng tôi dự kiến chạy các chương trình khuyến mại hiện nay đến 9/1, sau đó sẽ kéo dài thêm. Ngoài ra, chúng tôi áp dụng chương trình giảm giá 20% đối với nhóm hàng đồ tươi sống từ 18 – 22h hàng ngày”, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Chuỗi siêu thị BigC & Go Market, cho biết.
Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, Công ty WinCommerce cũng dự tính tăng lượng hàng tươi sống tăng khoảng 40% để phục vụ đẩy đủ nhu cầu cho người dân. Theo doanh nghiệp, năm nay, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm và chỉ ưu tiên các mặt hàng tươi sống. Ngay như giá những giỏ quà Tết, doanh nghiệp cũng thiết kế thấp hơn nhiều so với trước đây.
“Chúng tôi tăng lượng tồn kho thông thường lên đến 50% so với ngày thường, đảm bảo đầy đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường cho giai đoạn Tết với mức giá vẫn được kiểm soát. Đối với Tết năm nay, chúng tôi cũng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm truyền thống”, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty WinCommerce, chia sẻ.
Theo Sở Công thương Hà Nội, năm nay Sở khuyến nghị các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến, tránh tập trung đông người để đảm bảo an toàn chống dịch.
Điểm mới năm nay là hàng chục nghìn gian hàng lưu động bán đầy đủ đồ thiết yếu phục vụ Tết sẽ được mở tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Dự kiến giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết năm nay tăng gấp 3 năm 2020.
“Thành phố sẽ triển khai 20.000 điểm bán hàng, tăng 7.000 điểm so với năm 2021, đưa những chuyến hàng về khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của Hà Nội. Các doanh nghiệp sẽ đưa nhiều mặt hàng vào bình ổn giá, như gạo, mì chính, nước mắm, nông sản, măng, miến…, hàng hóa người dân có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết”, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Sở Công Thương, mặc dù các nguyên liệu sản xuất đều tăng giá, nhất là dịp cuối năm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cam kết bình ổn giá, phần lớn không tăng so với cùng kỳ năm 2021 để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng.