Dưới sự điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3 vừa qua để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.
Sau 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực, chính sách kịp thời, thiết thực của ngành ngân hàng, nhất là qua những thông tư, hướng dẫn về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn “tha thiết” mong muốn, ngành ngân hàng hỗ trợ giảm thêm lãi vay ngân hàng, cũng như nới lỏng thời gian cơ cấu lại nợ.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, NHNN sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay, giãn nợ gốc… (Ảnh minh họa: KT)
“Đề nghị NHNN thời gian tới tiếp tục có những giải pháp tốt hơn để hỗ trợ cho chúng tôi được tốt hơn. Hiện, NHNN đang chỉ đạo hạ lãi suất xuống còn 6,5%. Doanh nghiệp chúng tôi vô cùng phấn khởi, nhân dịp này Ngân hàng thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay mới ở mức đó thôi chứ không phải 9,5-10% nữa”, ông Lê Văn An nói.Nêu thực tế của doanh nghiệp, ông Lê Văn An, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện xây dựng cho biết, dịch bệnh khiến công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, nhưng mới nhận được hỗ trợ vài trăm triệu đồng từ phía ngân hàng, con số này quá khiêm tốn so với thiệt hại. Do đó, mong muốn các ngân hàng tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng NHNN giảm lãi suất cho các khoản vay, giãn nợ gốc và lãi cho các khoản vay phát sinh… Các mức lãi suất ưu đãi không nên quá 6% một năm trong năm 2020, không quá 9% một năm trong năm 2021.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.
“Chúng tôi tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Về phía các chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư các dự án có hiệu quả có khả năng phục hồi. Quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước kịp thời cơ cấu lại nợ miễn, giảm lãi suất cho khoản vay hiện hữu cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết./.