Dự kiến cuối tháng này, giá điện tăng 8,36%, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng loạt doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn năng lượng này
Nhiều doanh nghiệp (DN) thừa nhận đã áp dụng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó có cả tiết kiệm điện nhưng giá điện tiếp tục tăng cao sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất.
Tiết kiệm hết khả năng rồi!
Nhiều DN than phiền giá điện cứ tăng liên tục trong nhiều năm qua gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, thị trường trong nước cũng như xuất khẩu phải cạnh tranh nhau từng đồng, chỉ cần giá bán cao hơn 1-2 đồng là bị đối tác từ chối ngay.
Chi phí về điện chiếm 9% giá thành sản phẩm thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5%-6%
Về nhận định do chưa thật sự tiết kiệm chi phí trong sản xuất nên giá thành cao, nhiều DN thẳng thắn cho rằng vì sự tồn vong, họ đã nỗ lực hết sức, cái gì làm được trong khả năng đều đã thực hiện. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết 2 nhà máy của công ty tiêu tốn đến 1,5 tỉ tiền điện mỗi tháng. Công đoạn nào tiết kiệm điện được, công ty đều đã thực hiện. Thậm chí, điện trong văn phòng còn được quy định nhiệt độ ngoài trời đến ngưỡng nào mới được bật máy lạnh. Các công đoạn sản xuất đã được ứng dụng khoa học – kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất. Chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, điều này nhà nước hiểu rất rõ nên cần có giải pháp hỗ trợ DN.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, nhìn nhận giá điện tăng gây khó khăn rất lớn cho DN thủy sản vì ngành này sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến. Công ty có 4 nhà máy chế biến thủy sản, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,5 tỉ đồng tiền điện, với giá điện tăng như dự kiến thì mỗi tháng phải chi thêm cả trăm triệu đồng cho tiền điện. Trong khi tất cả chi phí khác cũng tăng, như nguyên liệu thủy sản (tăng 20%-30%), lương công nhân, BHXH. Trong khi lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh thủy sản rất thấp, chỉ 2%-3%.
Còn theo ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình, DN có nhiều trại chăn nuôi lạnh, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nên tiêu tốn điện khá lớn. Giá điện tăng đồng nghĩa với chi phí chăn nuôi, chế biến thức ăn tăng theo. Trong khi giá bán sản phẩm lại rất khó tăng, thậm chí phải giảm để cạnh tranh nên hiệu quả kinh tế khó đạt như kế hoạch.
Vượt khả năng tài chính
Về giải pháp tiết kiệm điện, nhiều DN thừa nhận chưa thể đầu tư lớn vì chi phí quá cao, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng. Đối với ngành thủy sản, theo ông Dũng, để có hệ thống thông minh, tiết kiệm điện khoảng 30% thì phải đầu tư đến 15 tỉ đồng cho một nhà máy. Còn lắp đặt thêm nguồn điện mặt trời, vốn đầu tư mỗi nhà máy cũng cả chục tỉ đồng. Trước mắt, khi giá điện tăng, nhà máy của ông sẽ sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm để được hưởng giá điện thấp. Như vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, phân tích để sản xuất ra 1 tấn thép phải tiêu tốn khoảng 600 KWh điện, tức chiếm 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5%-6%. DN ngành sắt thép đã ứng dụng nhiều tiến bộ về khoa học – kỹ thuật để tiết kiệm điện như lò điện hồ quang, nhiệt độ thải khí nóng được tận dụng để sấy thép phế khi đưa vào lò nung… nên đã tiết kiệm điện từ 15%-20%. DN thép có thể thay thế năng lượng khác như khí thiên nhiên để sản xuất nhưng chi phí đầu tư rất lớn, vượt khả năng của họ.
Áp dụng nhiều giải pháp
Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) đề xuất để tiết kiệm điện, nhà xưởng sản xuất cần tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên. Hạn chế nguồn nhiệt bên ngoài xâm nhập nhà xưởng. Đồng thời, sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái tạo. Nếu DN thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có sử dụng điện mặt trời sẽ giảm được năng lượng tiêu thụ từ 40%-50%.
Theo NLĐ