Người lao động tại một công ty thủy sản ở ĐBSCL
Khó khăn đè nặng lên doanh nghiệp
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn chung mà DN ĐBSCL đang đối mặt. Đó là thị trường suy giảm; Chuỗi cung ứng đứt gãy; Sụt giảm nguồn lao động; Giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao; Thủ tục rườm rà; Chi phí cho công tác phòng, chống Covid-19 chiếm rất cao, trong đó có việc thực hiện test định kỳ cho người lao động; DN nhỏ và vừa khó tiếp cận các khoản tín dụng, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ về tài chính do không đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng…
Ông Trần Trí Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – thừa nhận: Chi phí sản xuất gia tăng do dịch Covid-19 kéo dài gây cản trở quá trình tái sản xuất của DN. Thiếu nguồn cung hàng hóa cục bộ, đứt gãy chuỗi sản xuất. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và ngày càng khó khăn do tập trung cho công tác phòng, chống đại dịch. Người dân và DN còn e ngại việc mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh…
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó có phát triển giao thông nội vùng mới có thể giúp DN ĐBSCL phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
TS. Nguyễn Phan Trúc Phương – Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng: Để giúp DN khôi phục, trở lại trạng thái “bình thường mới” cần có chính sách tài khóa cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng. Bên cạnh đó, cần chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người lao động. Đặc biệt, các tỉnh, thành cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nội vùng. Tăng cường đầu tư công vào các dự án nhằm phát huy lợi thế là vựa lúa số một của cả nước. Chính phủ cần tạo điều kiện để khuyến khích phát triển đa cực các ngành công nghiệp sản xuất ở ĐBSCL…
PGS.TS Brian Kao – Trường ĐH Chang Gung, Đài Loan, đã chia sẻ kinh nghiệm của các công ty Đài Loan về chủ trương chia nhỏ nhà máy sản xuất, xây dựng các nhà máy gần vùng cung cấp nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ để giảm chi phí vận chuyển…
Đề cập giải pháp thu hút đầu tư của TP.Cần Thơ trong vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, hạt nhân trong việc phát triển toàn vùng, TS. Huỳnh Văn Tùng – Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP.Cần Thơ – nhấn mạnh: “TP cần tận dụng tối đa lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh trong vai trò trung tâm ĐBSCL để thu hút đầu tư. Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển và chất lượng điều hành (PCI), chất lượng cơ sở hạ tầng để tăng cường thu hút đầu tư, nhất là FDI… Phối hợp với các địa phương trong vùng nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng. Phối hợp với Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết ĐBSCL và thực thi tốt Quy hoạch vùng ĐBSCL. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chuyển dần tăng trưởng kinh tế từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất, vốn đầu tư sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Chính quyền sẽ không bỏ rơi doanh nghiệp
Đó là cam kết của lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL. Tham dự và phát biểu tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ – cho biết: “TP đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, các thành phần kinh tế trong việc kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với các nền tảng kinh doanh, thương mại điện tử. Hỗ trợ DN trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghiên cứu triển khai gói tín dụng với mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất dành cho các DN tổ chức sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo cuộc sống người dân và phục vụ nhu cầu dự trữ, phòng chống dịch. Sở Lao động, Thương binh – Xã hội được giao duy trì thường xuyên các hoạt động giao dịch việc làm để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực cho DN, hỗ trợ DN trong huy động nguồn nhân lực”.
Du lịch là một trong số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, để giúp ngành hồi phục, PGS.TS Đào Duy Huân – Trường ĐH Nam Cần Thơ – cho rằng: “Quan trọng nhất là các tỉnh, thành phải luôn bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các DN ngành du lịch phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong vận hành chuỗi cung ứng du lịch; nâng cao chất lượng hợp tác, mối quan hệ của từng khâu trong chuỗi cung ứng du lịch. Song song đó các địa phương phải có chính sách phát triển, phục hồi kinh tế hiệu quả, kết hợp đẩy mạnh chương trình kích cầu dịch vụ du lịch, ưu tiên thị trường nội địa”. |
Ông Trần Trí Quang – tỉnh Đồng Tháp – cũng cho biết: Để thúc đẩy sản xuất, Đồng Tháp triển khai nhiều biện pháp, như: Tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, nhất là thủ tục hành chính trong cấp phát vốn đầu tư công, đăng ký DN, thu hút đầu tư. Triển khai mạnh mẽ các ứng dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến giảm thời gian đi lại liên hệ với các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính của DN và người dân.
“Tỉnh thực hiện nghiêm các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Rà soát, cập nhật thông tin danh mục dự án kêu gọi đầu tư đã ban hành. Phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ DN và tạo điều kiện để doanh nhân, DN tiếp tục tìm hiểu các dự án Đồng Tháp đang mời gọi đầu tư”, ông Quang thông tin thêm.
Thep GDTP