Thay vì điều chỉnh giá điện theo cách bất thường dễ gây sốc cho xã hội như hiện nay, các đại biểu đề xuất luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện với phương án 6 tháng/lần.
Sáng 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam”. Đề án nghiên cứu do phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách khoa) làm chủ nhiệm.
Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Hồi cho biết, thời gian qua việc điều chỉnh giá điện luôn tạo được sự quan tâm lớn của xã hội. Tuy nhiên, sự điều chỉnh giá không có chu kỳ gây nên tình trạng bất ngờ, bị động cho người dân, và nền kinh tế.
Do đó, trong Đề án nhóm nghiên cứu đề xuất, luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá với phương án 6 tháng/lần và được quy định bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền.
Thời điểm điều chỉnh giá điện có thể lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng, với kỳ điều chỉnh giá đề xuất là vào ngày 1 /3 và 1/9 hằng năm.
Ngoài ra, Đề án cũng đề xuất giá điện chỉ được điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Long đề xuất này là hợp lý. Vì trước nay, sau mỗi lần điều chỉnh giá điện, báo chí lại chạy đi phỏng vấn, người dân nhốn nháo vì bất ngờ.
“Điều này không cần thiết và gây lãng phí. Nếu luật hóa được điều này, mỗi lần chỉnh giá điện, cơ quan chức năng có căn cứ để giải thích với người dân”, ông Long cho hay.
Theo báo Dân sinh