Bỏ thừa đồ ăn là tình trạng không hiếm gặp, nhất là ở các gia đình có điều kiện và có con nhỏ. Từ việc trẻ không biết quý trọng đồ ăn sẽ dẫn đến việc trẻ không tôn trọng giá trị và công sức của người làm ra đồ ăn. Nhưng muốn dạy trẻ biết tôn trọng thức ăn, quý trọng sức lao động, trước hết cha mẹ phải là tấm gương cho con noi theo.
Thói quen lãng phí thường đến từ sự dễ dãi
Vợ chồng chị Trần Thị Thanh cùng công tác tại một tập đoàn Bất động sản trên địa bàn Hà Nội. Từ khi chị được cất nhắc lên vị trí quản lý, thu nhập tốt hơn nên mọi việc chi tiêu ăn uống trong gia đình cũng khá thoải mái. Nhưng cũng chính từ sự thoải mái đó mà chồng cùng hai con gái học lớp 6 của chị đã coi chuyện bỏ đồ ăn thừa là điều hết sức bình thường. Khác với trước đây, bố con anh vẫn dồn vào tủ lạnh để bữa sau dùng cho đỡ phí.
Do công việc bận rộn nên gia đình chị thường mua đồ ăn sẵn hoặc ăn ở ngoài. Hai con của chị rất thích đi ăn buffet vì các món luôn thay đổi theo ngày. Khi ăn buffet, chồng chị thường lấy khá nhiều đồ ăn để thử, ngon thì ăn, không hợp thì bỏ lại. Hai con chị cũng làm theo bố, cháu lấy đồ ăn để thoả sự tò mò hơn là cho nhu cầu dinh dưỡng. Mỗi khi đứng dậy ra về, bàn của gia đình chị ngổn ngang những đồ ăn thừa, vậy mà những lần chị nhắc, chồng và con chị lại cho rằng, đồ ăn đó đã được trả tiền nên sẽ không ai trách móc.
Không có điều kiện kinh tế như chị Thanh, nhưng vợ chồng chị Hoà ở quận Đống Đa cũng cố gắng không để cậu con trai học lớp 5 thiếu thốn gì. Trong giai đoạn các trường học tạm đóng của để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, anh chị mua sẵn nhiều đồ ăn vặt cho con và cả gia đình để hạn chế ra ngoài. Nhưng cũng chính vì có sẵn đồ ăn vặt trong nhà nên đến bữa ăn chính, con thường ăn ít hoặc thậm chí không ăn.
Tiếc đồ ăn bị bỏ thừa, chị Thanh cất vào tủ lạnh để bữa sau ăn. Thế nhưng, con chị lại cương quyết không ăn với lấy lý do trên mạng nói ăn đồ thừa qua đêm dễ mắc ung thư. Vừa thương vừa bực, nhiều lần chị ngậm ngùi cho đồ ăn vào thùng rác với tâm trạng không vui. Nhưng cũng từ đó, chị hiểu rằng, chính việc để con ăn uống không khoa học đã dẫn đến tình trạng trên.
Câu chuyện của chị Thanh và chị Hoà không phải là cá biệt trong cuộc sống hiện nay. Rất nhiều gia đình đã quá quen với cách chăm sóc, ăn uống cho con theo kiểu một chiều. Các bữa ăn thường được làm theo ý thích của các con hơn là dạy chúng thích nghi với những điều kiện sống khác nhau. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành ý thức kén chọn và bỏ thừa thức ăn không đúng ý mình. Từ việc trẻ không biết quý trọng đồ ăn sẽ dẫn đến việc trẻ không tôn trọng giá trị và công sức của người làm ra đồ ăn.
Mỗi bữa ăn đều là giờ học
Theo các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục, việc truyền đạt kiến thức cho trẻ những năm tháng đầu đời rất quan trọng. Trong đó, cha mẹ và thầy cô giáo cần giúp trẻ hình thành ý thức tôn trọng đồ ăn và trân trọng những gì mình đang có, hướng tới cuộc sống tự lập, tư duy và sáng tạo.
Tại Trường Mẫu giáo Hoa Sữa, quận Ba Đình (Hà Nội), các cô giáo đã có những cách làm sáng tạo trong việc dạy trẻ tôn trọng thức ăn từ những bữa ăn hàng ngày của các con.
Theo đó, đến giờ ăn, với sự trợ giúp của cô giáo, các con sẽ thay phiên nhau như người trụ cột trong gia đình, xúc cơm vào từng bát cho các bạn kèm lời chúc ăn ngon miệng. Các con cũng học cách tự xúc ăn và luôn cố gắng ăn hết suất của mình vì bỏ thừa không được khuyến khích ở lớp. Sau bữa ăn, trẻ lại được học cách tự dọn dẹp, mang bát đĩa về phòng bếp, gập bàn ghế, lau sàn…
Các con cũng được các cô khuyến khích về nhà giúp đỡ cha mẹ chuẩn bị bữa ăn, cách ăn uống lịch sự cũng như việc dọn dẹp sau khi ăn xong. Các cô giáo cũng khuyến khích cha mẹ có thể dạy con tự nấu những món ăn đơn giản với khả năng tối đa của trẻ.
Cô Hương Giang, giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo lớn cho biết, mỗi bữa ăn ở lớp cũng chính là giờ học, qua đó giúp các con hiểu được những khó khăn, vất vả để tạo ra đồ ăn cũng như tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với cơ thể, nhằm tránh tình trạng trẻ bỏ thừa đồ ăn sau mỗi bữa ăn.
Những việc tưởng chừng là nhỏ nhặt như xới cơm cho bạn hay một lời chúc ăn ngon miệng… nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đến việc hình thành nhân cách, ý thức và sự gắn kết cộng đồng của trẻ sau này. “Khi các con ngồi đây và ăn hết suất ăn của mình thì ngoài kia, vẫn còn rất nhiều các bạn nhỏ sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nên hãy trân trọng những gì mình đang có” – cô Hương Giang chia sẻ.
Dạy cho trẻ em biết tôn trọng đồ ăn cũng chính là lời nhắc nhở cho không ít các bậc cha mẹ đã quá quen với việc lãng phí thực phẩm đến mức quên mất giá trị của nó.
Ngay lúc này, khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống của người dân, nhất là về sức khoẻ và kinh tế, thì việc tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là rất cần thiết. Điều đó nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch bệnh của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.