Để “kéo” trò trở lại học tập trực tiếp, nhà trường, thầy cô không ngừng nỗ lực mọi giải pháp từ vận động, tuyên truyền đến sắp xếp kế hoạch dạy học linh hoạt, tăng cường chất lượng dạy học.
Trường lớp “rơi” sĩ số
Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tha (Văn Bàn, Lào Cai), trao đổi: Học sinh trở lại trường học trực tiếp từ 7/3, tuy nhiên ngày đầu tập trung chỉ đạt 28%, ngày thứ 2 tăng lên 44% trong tổng số 430 học sinh (188 học sinh bán trú) tại trường trung tâm và 3 điểm lẻ.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ chuyên cần ở mức thấp bởi một số học sinh F0, F1 nghỉ điều trị, cách ly tại nhà, nhưng một phần bởi phụ huynh chưa hiểu thấu đáo, không yên tâm tình hình dịch bệnh, không cho trẻ đi học.
“Các thầy cô vẫn kiên trì vận động để “kéo” học sinh trở lại lớp. Mặt khác, hy vọng tình hình dịch bệnh không bùng phát và tiếp tục duy trì ổn định thì khoảng 1 tuần nữa tỷ lệ chuyên cần mới đủ 100%…”, cô Hồng trao đổi.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyên cần khi học sinh đi học trở lại, cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), thông tin: Dù đã trở lại trạng thái bình thường mới, song tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt 70 – 80%. Ngoài số học sinh F0, F1 nghỉ tại nhà điều trị và cách ly, còn nhiều phụ huynh lo lắng nên dự định cho con nghỉ học thêm 5 – 7 ngày.
“Nhiều phụ huynh chở con tới cổng trường, nghe tin học sinh lớp khác kết quả dương tính cũng đèo con quay về, trong khi đó, trường nằm trong vùng an toàn… Trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để tránh tình trạng lo lắng không cần thiết, đảm bảo quyền học tập tại trường của trẻ…”, cô Hường bày tỏ.
Dịch ở cấp độ 3 nên học sinh Trường Mầm non Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương) tạm nghỉ. Cô Nguyễn Hương Nhài, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Kinh nghiệm từ những lần nghỉ phòng dịch trước cho thấy tỷ lệ chuyên cần “rớt” sâu ở những tuần đầu, thậm chí cả tháng sau vẫn chưa ổn định. Có thời điểm chỉ đạt 50 – 60% bởi phụ huynh e ngại trẻ chưa được tiêm phòng, cho ở nhà an toàn hơn…
Do đó, dù đang nghỉ dịch nhưng việc vận động phụ huynh cho trẻ quay lại lớp vẫn được chuẩn bị và duy trì. Giáo viên kiên trì gọi điện trực tiếp hoặc thông qua kênh Zalo nhóm lớp tuyên truyền cho phụ huynh hiểu thực tế dịch. Mặt khác, tiếp tục gửi hướng dẫn học tập đặc biệt với trẻ 5 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1 ổn định việc học dù ở nhà. Công tác vệ sinh phòng dịch trường lớp sẵn sàng để tạo niềm tin của phụ huynh.
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên), cũng khẳng định, tâm lý e dè cho học sinh tới trường khi dịch bệnh trong phụ huynh khá nhiều. Sau Tết, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90% nhưng sau đó số F0 học sinh trong trường xuất hiện phụ huynh lo lắng và cho trẻ nghỉ học. Sĩ số “rơi” dần dù các điều kiện phòng dịch ở trường lớp vẫn đảm bảo. Trường nằm trong vùng an toàn có thể triển khai dạy học.
“Nắm được tâm lý này, tới đây trường sẽ đẩy mạnh thông tin số F0, F1 giáo viên học sinh hàng ngày (nếu có) để phụ huynh yên tâm cho trẻ tới trường. Tránh thiếu thông tin dẫn tới thiệt thòi học tập trực tiếp của trẻ…”, cô Thanh nói.
Duy trì chất lượng dạy học
Chia sẻ giải pháp kéo trò tới lớp, theo cô Nguyễn Thị Hồng, một mặt, trường báo cáo tình hình học sinh nghỉ học lên chính quyền địa phương để cùng vào cuộc, chỉ đạo các thôn bản phối hợp vận động tuyên truyền. Mặt khác, qua nhóm Zalo của xã (trong đó có bí thư chi bộ và trưởng thôn bản) thông báo cụ thể từng trường hợp học sinh nghỉ học, lý do nghỉ học, không có lý do nghỉ học…
Với gia đình học sinh ở thôn bản không có sóng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động giúp phụ huynh hiểu và chủ động đưa trẻ trở lại trường học tập.
Công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp không chỉ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia hàng ngày, hàng tuần mà mời cả phụ huynh cùng vào cuộc để trực tiếp chứng kiến và yên tâm trong việc kiểm soát và phòng dịch tại trường lớp.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, thầy cô vào cuộc vận động bằng cách: Viết bản tin tuyên truyền về trường lớp, trong đó nêu rõ số lượng học sinh F0, F1 để phụ huynh biết; Phân tích hạn chế nếu phụ huynh cho con nghỉ học dài ngày, không đảm bảo học tập, không hoàn thành chương trình… và phụ huynh hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu học sinh không được lên lớp… Bản tin được chính quyền xã cử người dịch sang tiếng dân tộc và phát loa tới tất cả thôn bản.
“Với cách tuyên truyền này, nhiều phụ huynh chần chừ không muốn con đi học vì chưa nắm rõ thực tế dịch bệnh đã chuyển biến tích cực bởi sợ con phải học lại. Một số trước đây “khăng khăng” cho trẻ nghỉ học cũng dần hiểu vấn đề và cho con đi học…”, cô Hường cho hay.
Vấn đề tổ chức dạy học sau khi học sinh nghỉ học phòng chống dịch được cô Hường trao đổi: Theo quy định của tỉnh Lào Cai, nếu lớp duy trì trên 70% sĩ số thì dạy bài mới, dưới 70% thì ôn tập và dạy bù. Do đó, thời điểm số học sinh trong lớp nghỉ cách ly, phòng dịch nhiều, lớp chỉ còn 7 – 8 học sinh học trực tiếp, trường chuyển sang ôn tiếng Việt trên máy qua trò chơi Trạng nguyên tiếng Việt; rèn chữ viết; hoặc với học sinh khối 5 thì ra đề cho các em ôn luyện thi vào lớp 6 trường nội trú.
“Việc dạy học cần được duy trì, linh hoạt bởi học sinh dân tộc học bằng ngôn ngữ thứ 2. Nếu lớp có F0 cho nghỉ hết ở nhà, các em không có điều kiện học trực tuyến, nghỉ lâu quên kiến thức. Do đó có khối lớp đang học chương trình ở tuần 25, nhưng có lớp lại học chương trình ở tuần 22…”, cô Hường trao đổi.
Thầy Phạm Văn Mạnh dạy học tại điểm trường Suối Hộc, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) trao đổi: 2 giáo viên dạy điểm trường đều diện F0 nên học sinh tạm nghỉ để cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, dự tính được thầy Mạnh đặt ra trong việc dạy lớp ghép (lớp 1, 2 với 15 học sinh) của mình là phân loại học sinh theo nhóm, dạy chậm và củng cố lại bài và kiến thức cơ bản, song song đó dạy kiến thức mới nhưng không dồn ép.