Sự chậm chân trong quy hoạch các trung tâm logistics khiến doanh nghiệp mất dần cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và cạnh tranh.
11 tháng năm nay, dù ảnh hướng của dịch COVID 19 đến chuỗi cung ứng thế nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 600 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy độ mở của nền kinh tế và hiệu quả hội nhập sâu rộng tạo sức bật cho thương mại ngay trong những tháng 10, 11, trong đó, việc tháo gỡ các mắt xích về hạ tầng hậu cần logistics từ càng biển, cảng cạn, trung tâm logistics… đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho giao thương.
Tính chung 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại trong gần nửa năm qua do những ảnh hưởng từ các đợt dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Có được điều này là nhờ hoạt động sản xuất, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu tăng trở lại ngay từ tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục tăng, gần 4% ở mức xấp xỉ 30 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 4.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, ngành Logistics đã thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu.
Các tỉnh Đông Nam Bộ thiếu trung tâm logistics
ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Thế nhưng việc kết nối vận chuyển lại là vấn đề. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 2/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu như cảng Cát Lái, Cái Mép khiến chi phí vận tải cao hơn 10-40% tùy từng tuyến. Tình trạng quá tải cũng diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông giữa 2 khu vực.
Như vậy, các trung tâm logistics là các mắt xích kết nối giúp điều tiết hàng hoá. Nếu hạ tầng này sẽ dẫn đến ùn ứ, rồi chi phí tăng… khiến hàng hoá kém cạnh tranh.
Hình minh họa. Ảnh: TTXVN
Thực tế, ở TP Cần Thơ có cảng, thậm chí là cảng còn được kì vọng là nối được cả các chuyến quốc tế. Nhưng đường vào cảng lại bị trở ngại. Kênh tắt Quan Chánh Bố hiện trạng đang tắc, gây xói lở hai bờ kênh, luồng đang có hiện tượng bị bồi lắng ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu bè, hậu quả là tàu từ 10 ngàn tấn trở lên rất khó ra vào.
Trong khi đó, Cửa Định An hằng năm phải tốn 10 tỷ đồng nạo vét, và cứ vận hành 3-4 tháng thì bị bồi lắng trở lại. Để nắm bắt cơ hội đó, có ý kiến cho rằng, trước khi có trung tâm logistics thì đồng bằng sông Cửu Long cần phải khơi thông luồng lạch, sẵn sàng đón tàu trọng tải lớn ra vào.
Mở rộng hạ tầng logistics hỗ trợ xuất khẩu
Theo đánh giá của Báo cáo Sách Trắng 2021 do Hiệp hội nhà đầu tư châu Âu thực hiện, rào cản lớn hiện nay là thiếu đất, kho bãi để cho phép phát triển các trung tâm phân phối, hậu cần chất lượng hay cơ sở hạ tầng đa phương thức giữa các trung tâm công nghiệp chính của các địa phương còn yếu.
Trước sự tăng trưởng thương mại rất nhanh trở lại từ nay đến sang năm, kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kho bãi sẽ phải sớm hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thương mại và sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Hình minh họa. Ảnh: Báo Đầu tư
Ông Trần Tuấn Đại, Phó Tổng Giám đốc AMY GRUPO, cho biết: “Chúng tôi mở rộng các thị trường phân phối ở Mỹ, châu Âu, các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông…, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh của công ty, tận dụng cơ hội định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta nên tập trung vào cơ sở hạ tầng, logistics, giao thông để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất”.
Theo các chuyên gia, việc thiếu các kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng sông, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất đang là một trong những rào cản cho tăng trưởng thương mại, thu hút nhà đầu tư.
Ông Juer Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: “Rõ ràng khách hàng đang yêu cầu chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và giao hàng nhanh hơn. Như vậy, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm không gian và các địa điểm kho bãi và trung tâm phân phối hay cơ sở hạ tầng đa phương thức giữa các trung tâm công nghiệp chính của các địa phương. Đây sẽ là rào cản cần sớm tháo gỡ để đón đầu đà tăng trưởng xuất nhập khẩu năm tới đây”.
Báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2021 cho thấy Việt Nam thuộc số ít các quốc gia thành công trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu trong đại dịch với lợi thế về các tuyến đường vận chuyển khu vực và quốc tế. Khối lượng hàng hóa sản xuất, lưu trữ trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng lớn. Như vậy, hạ tầng logistics sẽ phải tăng đủ lớn, bảo đảm lưu chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 7/12 với khách mời là ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!