Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Điện lực TP Hồ Chí Minh (Công ty Tradincorp) đã gửi đơn tới Tập đoàn Siemens AG (trụ sở chính tại Đức) cùng Công ty TNHH Siemens Việt Nam (gọi chung là Siemens) yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng chục tỷ đồng về lỗi của sản phẩm tủ điện dòng RMU 8DJH do Trung Quốc sản xuất.
Cụ thể, trong năm 2015, 2016, Công ty Tradincorp đã mua của Siemens rất nhiều tủ điện RMU 8DJH do Trung Quốc sản xuất, theo ba hợp đồng với tổng giá trị lên đến 5,33 triệu EUR.
Tủ RMU 8DJH được Tập đoàn Siemens quảng bá là sản phẩm phân phối điện thân thiện khí hậu. Nguồn: Công ty Siemens.
Trong quá trình dự thầu trước đây, Công ty Tradincorp đã cung cấp đầy đủ, rõ ràng tất cả các thông tin về gói thầu cho đại diện của Siemens tại Việt Nam để được tư vấn giải pháp thực hiện cho tủ điện outdoor trước khi chào giá. Sau đó, Công ty Tradincorp chỉ nhận được báo giá cùng tài liệu kỹ thuật để chào thầu. Còn về phía Nhà sản xuất Siemens không gửi bất kỳ khuyến cáo nào về vỏ trạm lắp đặt bên ngoài tủ RMU cho Công ty Điện lực.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, rất nhiều tủ điện RMU 8DJH bị hư hỏng do xì khí (tủ R) và teng xanh (tủ T) tại các bộ phận bằng kim loại fuse slide, copper part (tủ T) và xì đường hàn (tủ R) xuất phát từ việc ăn mòn hóa học (kết luận của Người dùng cuối là Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) theo văn bản số 2736/EVNHCMC-VT ngày 18/7/2019).
Trước sự việc này, các bên liên quan đã phối hợp kiểm tra, tìm hiểu, sau đó Công ty Siemens lại kết luận nguyên nhân hư hỏng là do vỏ trạm lắp đặt bên ngoài tủ RMU được sản xuất tại Việt Nam.
Không chấp nhận với kết luận của Siemens, Công ty Tradincorp đã có các ý kiến như sau:
Với hơn 6 năm phát triển sản phẩm Siemens, Công ty Tradincorp đã mua và cung cấp hơn 5.000 module (phần lớn là tủ điện 8DJH/Trung Quốc) cho các khách hàng ở Việt Nam, đặc biệt khách hàng lớn là Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Hiện tại, EVNHCMC là cổ đông lớn nhất với 29,65% cổ phần và là cổ đông sáng lập của Công ty Tradincorp.
Bên cạnh đó, Nhà sản xuất Siemens đã công bố 3 nội dung chính trong catalog (danh mục liệt kê) của tủ điện 8DJH:
Thứ nhất, độc lập với môi trường. Với độ kín cao, buồng cắt được làm và hàn bằng thép không gỉ cũng như cách điện rắn đơn cực gia tăng hoạt động dưới điện áp cao của tủ 8DJH. Thiết bị không nhạy cảm với các điều kiện môi trường khắc nghiệt như không khí mặn; độ ẩm không khí; bụi bặm; hơi nước. Ngoài ra, còn chống được xâm nhập của các đối tượng bên ngoài như bụi bặm; ô nhiễm; côn trùng; độ ẩm.
Thứ hai, thiết kế không cần bảo trì. Buồng cắt được thiết kế với hệ thống áp suất kín, thiết bị đóng cắt và đầu cáp không cần bảo trì.
Thứ ba là tuổi thọ. Với điều kiện vận hành bình thường, tuổi thọ của tủ điện 8DJH tối thiểu 35 năm, đôi khi lên đến 40-50 năm, dựa theo độ kín của buồng cắt. Tuổi thọ có bị giới hạn số lần thao tác tối đa của tủ điện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các tủ điện bị xì khí, teng xanh chiếm tỷ lệ khá lớn, tủ điện không chỉ hư hỏng tại các vị trí trạm outdoor mà còn tại các vị trí indoor. Các lý giải về nguyên nhân hư hỏng tủ điện của Siemens này hoàn toàn không đúng với các thông tin công bố trong catalog sản phẩm về độ bền, bảo trì, tuổi thọ,…. như đã trình bày ở trên.
Tình trạng hư hỏng tủ điện với tỷ lệ cao, thực sự đã gây khó khăn cho EVNHCMC trong việc duy trì cấp điện cho khách hàng, đồng thời đã gây thiệt hại rất lớn cho Công ty Tradincorp trong việc đền bù và sửa chữa các hư hỏng, tổng chi phí ước tính thiệt hại lên đến hàng vài chục tỷ đồng gồm các chi phí mua tủ điện, phụ kiện (fuse slide, copper part,…) để thay thế, chi phí nhân công và chi phí ảnh hưởng thương hiệu của Công ty Tradincorp.
Cuối cùng, Công ty Tradincorp đã đề nghị Siemens xem xét lại thấu đáo các vấn đề liên quan đến chất lượng của dòng sản phẩm đã cung cấp để thương thảo và đền bù các thiệt hại mà Công ty Tradincorp đã chi ra cũng như lấy lại lòng tin của khách hàng.
Theo Tieudung.vn
https://tieudung.vn/doanh-nghiep/cong-ty-tradincorp-yeu-cau-tap-doan-siemens-boi-thuong-thiet-hai-vi-ban-san-pham-loi-59066.html