Để có cơ sở quyết định mở cửa lại, hỗ trợ cho doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh phù hợp với các bối cảnh chung của tình hình dịch bệnh trong vùng ĐBSCL và từng địa phương, từ tháng đầu 9/2021, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ) đã tổ chức làm việc với 120 doanh nghiệp chủ lực, có quy mô lớn, đại diện cho các ngành sản xuất chế biến, nông nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL, cùng với nhóm chuyên gia kinh tế phân tích, đúc kết xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh hợp lý, thích ứng trong bối cảnh phòng chống dịch và định hướng cho các giai đoạn phát triển bình thường mới.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, đơn vị đã cùng nhóm chuyên gia và doanh nghiệp, Hiệp hội các Doanh nghiệp xây dựng 3 nhóm đề xuất và kiến nghị giải pháp mở cửa theo các giai đoạn mở cửa, điều kiện tái sản xuất (kinh doanh) và lộ trình mở cửa các nhóm ngành thích ứng bối cảnh dịch bệnh.
Giai đoạn I, nới lỏng giãn cách, cho phép tái sản xuất- kinh doanh có điều kiện
Bắt đầu từ 15/9, thời gian 14 ngày, đây là giai đoạn đầu tái sản xuất, các doanh nghiệp sẽ tham gia giới hạn, chủ yếu sản xuất cầm chừng, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu tồn kho là chủ yếu. Thời gian cho giai đoạn I (14 ngày) nhằm đánh giá mức độ an toàn trong sản xuất.
Giai đoạn này cần tập trung khoanh vùng dịch bệnh theo hướng chặt hơn, không chỉ theo khung phường, xã mà tiến tới theo cụm dân cư, khu phố hoặc tổ dân cư nhằm xác định rõ hơn các khu có khả năng lây nhiễm bệnh để cách ly theo dõi. Địa phương cần cấp thẻ “Công dân xanh” dành cho nhóm người lao động trong “vùng xanh” để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại doanh nghiệp. Người dân/người lao động trong “vùng đỏ” chưa được cấp giấy, để đảm bảo an toàn thì chưa được phép lưu thông và tham gia sản xuất kinh doanh.
Đối với khu vực sản xuất (dành cho doanh nghiệp có đông lao động như nhà máy chế biến nông thủy sản, rau củ quả, trái cây, sản xuất công nghiệp: may mặc, da giày, vật liệu xây dựng, thực phẩm, xăng dầu, hóa chất, dược phẩm, cơ khí, kho bãi, cảng biển…): xem xét thay thế phương án “3 tại chỗ” và “1 con đường 2 điểm đến” bằng giải pháp 3 xanh “lao động xanh – con đường xanh – nhà máy xanh”.
Theo đó, “lao động xanh” là người lao động phải thỏa mãn các điều kiện phải được tiêm 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi vaccine từ 14 ngày trở lên; hoặc phải cư trú ở vùng xanh trên 30 ngày liên tục. Giai đoạn này giới hạn 30 – 50% lao động được làm việc tại doanh nghiệp. Đối với “cung đường xanh”, chỉ đi từ 1 điểm (từ nơi cư trú) và đến 1 điểm (nhà máy, phân xưởng), doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do doanh nghiệp đề xuất và cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có thời gian đi – về cụ thể. Đối với “nhà máy xanh” là nhà máy/công ty phải thỏa điều kiện chưa từng nhiễm Covid-19 hoặc nếu có nhiễm phải có thời gian khử khuẩn ít nhất 02 ngày. Doanh nghiệp phải chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút để đảm bảo phòng dịch giữa các nhóm công nhân.
Giai đoạn này cần thiết lập trung tâm ứng cứu dịch bệnh Covid-19 tại Khu công nghiệp, cụm doanh nghiệp sản xuất có đông lao động nhằm chủ động đối phó, ứng cứu người lao động khi phát sinh dịch bệnh.
Giai đoạn II, mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các địa phương trong vùng ĐBSCL
Thời gian 60 ngày, từ 30/9, đây là giai đoạn các doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, khả năng sản xuất ổn định, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu tồn kho hay thu mua trong nội tỉnh (thành) sẽ đến ngưỡng. Vì vậy, sau giai đoạn I (14 ngày) thì giai đoạn II cần tính tới cần liên kết vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng cho sản xuất.
Đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I, sàng lọc để mở rộng/thu hẹp vùng dịch bệnh để tái cấp thẻ “công dân xanh” cho người lao động đi làm việc. Giai đoạn này sẽ xem xét quyết định nếu tình hình, diễn biến dịch có kết quả tích cực, kiểm soát tốt, lượng lây nhiễm không đáng kể cho việc mở rộng cho phép vùng xanh từ Chỉ thị 15/15+ sang Chỉ thị 19, vùng đang áp dụng Chỉ thị 19 sang trạng thái bình thường mới nếu khả năng khống chế dịch bệnh và tạo được nhiều vùng xanh an toàn. Giai đoạn này cần mở rộng với các địa phương lân cận để bảo đảm lưu thông nguồn nguyên vật liệu sản xuất và lao động đi lại giữa các địa phương, các vùng không có dịch.
Đối với khu vực sản xuất, tiếp tục mô hình 3 xanh; đồng thời, bổ sung “lao động xanh” với điều kiện được tiêm vaccine như trên, bổ sung thêm trường hợp người lao động ngụ tại vùng đỏ nhưng chưa nhiễm SARS-CoV-2 trong 14 ngày và được xét nghiệm âm tính thì được tham gia làm việc nhưng phải cách ly tại nhà máy (công ty) trong suốt thời gian làm việc (không trở về nhà). Giai đoạn này có thể nới giới hạn lên 60 – 80% lao động được làm việc tại doanh nghiệp. Đối với “cung đường xanh”, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do doanh nghiệp tự cấp và tự chịu trách nhiệm với thời gian đi – về cụ thể. Đối với “nhà máy xanh”, thực hiện như giai đoạn I, về điều kiện công nhân nhà máy chưa từng nhiễm Covid-19, phải chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút…
Giai đoạn III, mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam Bộ
Thời gian thực hiện từ tháng 12/2021 hoặc từ 1/2022, sau giai đoạn II, các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao. Vì vậy, giai đoạn này cần tính tới việc liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó TP.HCM và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa chế biến lương thực thực phẩm và nông thủy sản của ĐBSCL; doanh nghiệp đã sản xuất đủ lượng hàng hóa tham gia xuất khẩu nên cần kết nối cảng biển lớn tại Long An, TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu một cách thuận lợi nhất.
Đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I và II, giai đoạn III này người lao động sẽ có thêm nguồn vaccine nên nếu ổn định có thể sử dụng Chứng nhận tiêm vaccine thay cho thẻ “công dân xanh” để tiện đi lại và kiểm soát. Giai đoạn này tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với những điều kiện quy định từ chính quyền nhằm đảm bảo phòng dịch an toàn.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, việc mở cửa lại kinh tế đang được doanh nghiệp mong chờ bởi kéo dài sẽ làm khó khăn ngày một lớn hơn và khó trụ lại để tái sản xuất, kinh doanh. Trong đó, VCCI Cần Thơ luôn vận động và cảnh báo các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn vì bất kỳ sơ suất nào trong thời điểm hiện nay cũng phải đánh đổi thiệt hại và các chính sách lúc này của Chính quyền luôn phải cân nhắc để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch mới phát triển ổn định và bền vững./.