Trong năm nay, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 880.000 lượt khám. Con số này tăng lên mỗi năm, khoảng 15%.
Tại Hội nghị phòng chống ung thư do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tổ chức ngày 5/12, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho biết số ca mắc mới ghi nhận trong năm nay là 41.758 ca, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 23,6 %.
Từ khi đưa vào hoạt động cơ sở 2 tại TP Thủ Đức đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận khám và điều trị cho 4.700-4.900 trường hợp. Trong đó, số lượng bệnh nhân từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 80 %. Lượt khám tăng cao khiến bệnh viện xảy ra tình trạng quá tải, bác sĩ Tuấn nói.
Để giải quyết việc này, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao khả năng phục vụ người bệnh. Một trong số đó là cải thiện quy trình đăng ký và hẹn lịch khám qua tổng đài cũng như các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến với bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh viện cũng phối hợp với bệnh viện ung bướu tại các tỉnh để nâng cao năng lực, chất lượng điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe gần hơn.
Theo báo cáo được công bố hồi tháng 3 năm nay của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN) năm 2022, thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong vì bệnh này. So với 20 năm trước, số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư năm 2022 đã tăng gần gấp đôi, số ca tử vong vì căn bệnh này cao hơn khoảng 1,5 lần.
Năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Số ca mắc mới và tử vong do ung thư ngày càng tăng trong vòng 10 năm qua. Đây cũng được xếp hạng là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam và TP.HCM đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả ngành y tế, bởi số ca đang tiếp tục tăng. Trong thời gian tới, phòng chống ung thư vẫn là nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế.
Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện điều trị ung thư tiếp tục tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm để kịp thời điều trị. Chính quyền thành phố sẽ đầu tư phát triển cơ sở vật chất cũng như nhân lực ngành ung bướu, từ đó nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ ung thư tại y tế cơ sở.
“Mạng lưới này sẽ hỗ trợ cải thiện chính sách y tế và giảm thiểu tác động của ung thư đối với cộng đồng”, bác sĩ Dũng cho hay.
Về việc tầm soát sớm ung thư, TS.BS Diệp Bảo Tuấn khẳng định rằng tầm soát sớm là chiến lược quan trọng giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, từ đó điều trị hiệu quả hơn.
TP.HCM đang triển khai dự án thành lập trung tâm khám sức khỏe và chăm sóc bệnh bằng công nghệ cao cơ sở 1 của bệnh viện. Đây sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để người dân có thể tầm soát ung thư và các bệnh lý khác ngay khi chưa có triệu chứng.
Ngoài ra, để ngăn ngừa ung thư, bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể thao thường xuyên và tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia. Những thói quen này không chỉ giúp phòng ngừa ung thư mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể, giúp người dân sống lâu, sống khỏe.
Theo lifestyle