Giá thịt lợn hơi đang tăng phi mã. Dự báo có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt lợn hơi trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.
Sau một tuần điều chỉnh tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, sáng 7/10 giá lợn hơi của tập đoàn Dabaco chính thức được niêm yết ở mức 59.000-60.000 đồng/kg tuỳ khu vực. Tập đoàn C.P điều chỉnh tăng giá lợn hơi, niêm yết ở mức 57.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn ngày hôm nay 7/10, giá lợn sỉ liên tục lập mốc giá mới. Theo đó, lợn mảnh loại 1 đã tăng hơn 64.000 đồng/kg, lợn mảnh loại 2 giá trên 57.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 10.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.
Các mặt hàng thịt lợn bán lẻ tại chợ cũng tăng nhẹ, nạc đùi 60.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg, cốt-lết 60.000 đồng/kg, nạc dăm 70.000 đồng/kg, giò trước 62.000 đồng/kg…
Hôm nay, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cũng tăng thêm khoảng 150.000 đồng/kg đối với thịt loại 1; từ 80.000-100.000 đồng/kg với thịt ngon; thịt vụn tăng từ 55.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg…
Dự đoán trong thời gian tới, thịt lợn hơi sẽ tiếp tục tăng cao vì hiện nay lợn trong dân đã hết, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn lại không tăng số lượng xuất ra. Đặc biệt, hiện đang chuẩn bị bước vào thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao thì giá lợn hơi còn có thể tăng lên đến 65.000 – 67.000 đồng/kg.
“Có những hộ dân, lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng vẫn ghim lại chưa bán, chờ giá lên thêm. Các doanh nghiệp cũng không xuất chuồng với số lượng lớn như trước, các khách hàng mới phải xếp hàng chờ đến lượt” – bà Nguyễn Thị Vân, một hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi với báo Lao động.
Thực tế hiện nay, số lượng lợn thịt đến thời kỳ xuất chuồng không nhiều, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành trên cả nước khiến các trại chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám tái đàn. Tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại của bà con gần 49% tổng đàn heo, hiện chỉ còn khoảng 1,5 triệu con. Đa số người chăn nuôi, chủ trang trại và ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng phải giảm đàn để giảm thiểu thiệt hại.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, dự báo có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.
Trao đổi với báo Thanh niên, ông Phạm Hùng – chủ trại nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam Bộ ngán ngẩm: “Heo tăng lên mấy giá nhưng đâu còn heo để bán nữa. Niềm hân hoan đó xin nhường cho những trại nào còn may mắn sống sót qua trận dịch vừa rồi, còn heo để bán”.
Mặc dù Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm, sữa, thủy sản… đủ sức đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, do thói quen lâu đời, người tiêu dùng gần như không thể dùng thịt gia súc, gia cầm để thay thế thịt lợn. Chưa kể, một số món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu… chỉ có thể làm từ thịt lợn mới đúng vị.
Hãng nghiên cứu Fitch Solutions cho biết do nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới “thịt giả” có nguồn gốc thực vật. Thống kê của Viện Thực phẩm sạch Mỹ cho thấy vào năm 2018, ngành công nghiệp thịt có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc đạt quy mô 910 triệu USD, tăng 14,2% so với năm 2017. |
Hiếu Nguyễn