Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Kitagawa Hironobu cho rằng thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản.
Tại buổi họp báo sáng 4-3 công bố khảo sát thực trạng của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại Châu Á, Châu Đại Dương năm tài chính 2018, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản) Hà Nội, cho biết đợt khảo sát được tiến hành từ ngày 9-10 đến ngày 9-11-2018. Tại Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp trả lời “có lãi” chiếm 65,3%. Tỉ lệ có lãi đối với doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên dưới 80%, điều đó cho thấy việc đầu tư lâu dài có lãi.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Kitagawa Hironobu (trái) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại buổi họp báo
Với khoảng 69,8% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm “mở rộng kinh doanh”, so với nước khác, khả năng mong muốn tiếp tục mở rộng là tương đối cao (Trung Quốc tỉ lệ này là 48,7%, là Philippines là 52,4%, Indonesia là 49,2%…).
Ngay với những DN thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% DN có phương châm mở rộng, điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng. Lý do chính của việc mở rộng là tăng doanh thu, tiếp đến là nhiều DN thể hiện kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.
Trong số các lợi thế về môi trường đầu tư thì quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất, tiếp đó là so với các nước khác, chi phí nhân công rẻ cũng là lợi thế được các DN đề cập đếp.
Ông Kitagawa Hironobu cũng nhấn mạnh có một số rủi ro trong môi trường đầu tư mà các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam gặp phải, trong số 5 hạng mục đứng đầu, có 4 hạng mục đã được cải thiện (giá nhân công, thuế và thủ tục thuế, thủ tục hành chính, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc), song đáng tiếc hạng mục “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng” lại cao hơn năm trước là 48,2%, tăng 1,3 điểm.
Về các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hơn 50% DN nêu khó khăn trong việc tăng lương cho nhân viên; trong thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại; trong việc quản lý chất lượng. Tuy nhiên, tỉ lệ này so với năm trước đã có cải thiện, đặc biệt là tỉ lệ nội địa hoá có cải thiện đáng kể, đạt 36,3%, đạt mức tăng cao nhất trong số các quốc gia là đối tượng khảo sát.
Kể từ năm 2010, hằng năm tỉ lệ nội địa hoá đều gia tăng dần, tuy nhiên nếu so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia thì vẫn ở mức thấp. So với các nước khác, tỉ lệ mua từ các nước khác (ngoài DN nội địa Việt Nam và Nhật Bản) thì cao, nhưng nhìn lại con số mua từ các DN nội địa của Việt Nam 10 năm trở lại đây với tỉ lệ 14,4% là tương đối thấp và các DN nội địa của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện điều này.
Các DN Nhật Bản cũng cho rằng còn gặp khó khăn với thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng giá. Thêm vào đó là chưa có chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao báo cáo của JETRO. Báo cáo cho thấy số lượng DN làm ăn có lãi tăng lên, chiếm tới 65% có lãi là rất lạc quan so với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam báo lỗ là 52%. Chỉ số DN tiếp tục muốn đầu tư mở rộng chiếm tới gần 70%, cao nhất trong số các nước được khảo sát.
Ông rất đồng tình với nhận định của các DN Nhật Bản về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng và cho biết Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong cuối năm 2019.
Cơ hội cho nông sản Việt
Về việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh nào tại Việt Nam, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Kitagawa Hironobu cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định chỉ có thể tận dụng được CPTPP khi hiểu về nó, và chính phủ cần có những bộ phận hỗ trợ DN trong vấn đề này.
Theo NLĐ