Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số công ty phải đóng cửa vì không cầm cự nổi. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh để tự cứu mình.
Ông Trần Đình Long – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt tại cơ sở sản xuất khẩu trang của mình
“Phất lên” trong đại dịch
Để doanh nghiệp không bị Covid-19… “nuốt chửng”, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (Q.Tân Bình) – cho biết: Đứng trước tình hình quần áo không thể xuất khẩu trong khi thị trường lại thiếu mặt hàng khẩu trang để phòng chống dịch, công ty đã quyết định chuyển sang sản xuất khẩu trang vải. Đầu tháng 2-2020, công ty tiến hành làm mẫu thử, đúng lúc này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 870 hướng dẫn về quy định khẩu trang vải kháng khuẩn, công ty lập tức gửi sản phẩm đi kiểm định và được chấp thuận. Sản phẩm nhanh chóng được chào bán ra thị trường, có 2 công ty dược lớn trong nước đặt mua 70.000 cái cho lô hàng đầu tiên, dùng tặng y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến chống dịch.
Kể từ đầu tháng 3-2020, đơn hàng khẩu trang vải của Dony tăng đột biến, gấp 4 lần doanh thu mặt hàng chủ lực là đồng phục xuất khẩu. Cũng trong thời gian này, công ty được đơn hàng độc quyền xuất khẩu 1,5 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn sang thị trường Trung Đông với giá trị lên tới 15 tỷ đồng. Sau đơn hàng đi Trung Đông, công ty này liên tục nhận được các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang đi Đức, Anh, Mỹ…
Trong thời buổi khó khăn, nhiều công ty phải cho người lao động nghỉ việc vì không thể trả lương thì Dony lại ra sức tìm nhân lực để sản xuất khẩu trang. Nhờ vậy, nhiều lao động đã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
“Có ít nhất 3.000 người đã được huy động may khẩu trang vải từ đầu tháng 3 đến nay. Những lúc đơn hàng nhiều, công ty còn tuyển thêm nhân viên làm việc tại nhà vì xưởng không đủ chỗ”, ông Quang Anh khẳng định.
Nhờ chuyển đổi hướng kinh doanh kịp thời, công ty Dony không chỉ có doanh thu lớn mà còn có điều kiện mở thêm cơ sở sản xuất khẩu trang. Nhiều năm xuất khẩu đồng phục nhưng lợi nhuận không có bao nhiêu, chỉ trong một thời gian ngắn chuyển sang sản xuất khẩu trang công ty này đã gặt hái được kết quả hơn cả mong đợi.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (đứng, áo vàng) đang kiểm tra công nhân làm khẩu trang
“Vì sự cấp bách trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các đối tác thanh toán tiền rất nhanh. Chỉ 10-15 ngày kể từ khi nhận đơn hàng, sản xuất rồi chuyển cho khách là có tiền về, trong khi làm đồng phục phải mất 2-3 tháng”, ông Quang Anh phấn khởi.
Hiện tại, với 2 xưởng sản xuất, mỗi ngày Dony sản xuất hơn 100.000 khẩu trang vải đáp ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh sản xuất khẩu trang, công ty còn phát triển mảng quần áo, găng tay bảo hộ và các sản phẩm về vật liệu y tế…
Từ hướng dẫn viên du lịch… thành thợ may
Cũng nhờ chuyển hướng sản xuất khẩu trang đã giúp Công ty Du lịch Việt (TP.HCM) có nguồn thu nuôi công ty và nhân viên của mình.
Ông Trần Văn Long – Tổng Giám đốc công ty – cho biết, hiện nhà máy đang hoạt động hết công suất 24/24, hàng trăm nhân viên phải tăng ca để đạt 10 triệu chiếc khẩu trang kịp đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài theo hợp đồng đã ký.
Cũng như bao doanh nghiệp du lịch khác, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công ty du lịch này phải tạm ngưng hoạt động vì không bán được tour, không có nguồn thu. Tháng 2-2020, ông Long quyết định chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ chống dịch.
“Cơ sở sản xuất có sẵn vì trước đó đã hoạt động thương mại về y tế. Do vậy khi chuyển sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ chống dịch, tôi chỉ cần đầu tư máy móc, thiết bị. Nhưng do chưa có chuyên môn, kinh nghiệm nên sản xuất ra khẩu trang không đạt chất lượng, bị khách trả đơn hàng. Thêm vào đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng không dễ dàng nên công ty gặp rất nhiều khó khăn”, ông Long nhớ lại thời gian đầu mới chuyển đổi nghề.
Nhưng hiện nay những hộp khẩu trang nhãn hiệu Việt Nam do công ty ông sản xuất đã có mặt tại hàng chục quốc gia như: Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Những nhân viên hoạt động trong du lịch cũng chuyển sang làm việc trong lĩnh vực này để cầm cự đến khi dịch ổn định trở lại. Mặc dù hiệu quả công việc không bằng công nhân may lâu năm nhưng nhân viên rất nhiệt tình, luôn cố gắng để tạo ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng”, ông Long cho biết.
Theo ông Long, hoạt động kinh doanh hiện tại rất thành công nhưng du lịch mới chính là chuyên môn và đam mê của mình và nhân viên. “Tôi đã đầu tư rất nhiều trong việc sản xuất khẩu trang nên dù cho ngành du lịch có hoạt động trở lại tôi sẽ phát triển song song 2 lĩnh vực này: vừa sản xuất khẩu trang vừa làm du lịch. Hiện tôi và nhân viên cũng đã có kịch bản sẵn cho ngành du lịch. Hy vọng với sự chung sức, chung lòng của tất cả mọi người, dịch bệnh sớm đẩy lùi, hoạt động kinh doanh, sản xuất trở lại bình thường”, ông Long mong mỏi.
Để cầm cự trước sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19, bà Trần Thị Thùy Trang – Giám đốc Công ty Du lịch Trang Thanh – cũng nhanh chóng xoay xở bằng việc kinh doanh sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường như: kem đánh răng, nước rửa chén, khăn giấy, nước giặt…
“Gần 1 năm nay, chúng tôi phát triển theo hướng bán lẻ cho các cửa hàng, đại lý… Bên cạnh hình thức bán truyền thống, chúng tôi cũng đã tiếp cận với hình thức bán online. Nhờ vậy đã cải thiện được phần nào nguồn thu cho công ty, xoay xở qua mùa dịch…”, bà Trang nói.
Nhờ chuyển hướng kinh doanh này, nhân viên của Công ty Du lịch Trang Thanh vừa tiếp cận được thêm hình thức kinh doanh mới vừa có công việc để trang trải cuộc sống, chờ ngày du lịch hồi phục để trở lại làm việc.
Trong cái khó ló cái khôn, nhờ nhanh nhảu chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, những doanh nghiệp này có thể vượt qua đại dịch Covid-19. Họ không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn đóng góp cho xã hội như nộp thuế, sản xuất ra những sản phẩm cần thiết trong phòng chống dịch…
Theo GDTP