Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở thông tin đăng ký doanh nghiệp có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến tháng 10/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Bà Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định: Con số này chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và đạt ít nhất 27% vào năm 2025, 30% vào năm 2030.
Tuy nhiên, bà Thanh cho biết, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939) với mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chính sách pháp luật Nhà nước với khởi nghiệp. Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ cả nước.
Đề án đã quan tâm đến các thành phần yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương, phụ nữ chịu ảnh hưởng của HIV, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, đảm bảo thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Chủ đề Ngày Phụ nữ khởi nghiệp hằng năm đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự chuyển động của nền kinh tế.
Đã có 31/63 tỉnh có huyện tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp, thu hút trên 24.640 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi. Thời gian qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã huy động được 240 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, địa phương và 206 tỷ đồng xã hội hóa cho hoạt động khởi nghiệp, chỉ tiêu hỗ trợ nữ doanh chủ khởi sự kinh doanh.
Song song với hoạt động đào tạo, các cấp hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nguồn tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức trong và ngoài nước.
Đã có 22.918 phụ nữ có ý tưởng được vay với số vốn là 506.756 triệu đồng. Một số địa phương đã sáng tạo đề xuất với chính quyền bổ sung vốn hoặc xã hội hóa hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, điển hình như Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh (70 tỷ đồng), Đà Nẵng (30 tỷ đồng)…
Theo Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ được đổi mới theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ dựa trên nhu cầu phát triển và thích ứng với bối cảnh tình hình.
“Bên cạnh các nội dung tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh mang tính truyền thống, các cấp hội phụ nữ đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động liên kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, năng lực ứng phó khủng hoảng do COVID -19 gây ra như ứng dụng thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hội thi và quảng bá sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp”, bà Thanh cho biết.
Theo DNVN