Chiều 07/7, tại trường ĐH Ngân Hàng TPHCM đã diễn ra buổi trao đổi thông tin với báo chí về buổi tọa đàm Quốc tế với nội dung: “Chiến tranh thương mại và ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính châu Á”. Chương trình được tổ chức với sự hợp tác của Ủy ban Điều tiết tài chính châu Á và ĐH Ngân Hàng TPHCM diễn ra từ ngày 05 đến 07/07/2019.
Các khách mời, chuyên gia và giáo sư đến từ các trường đại học uy tín trên thế giới như: chuyên gia và giáo sư tới từ các đại học uy tín trên thế giới như TS See-Yan Lin, nguyên Phó Thống đốc NHTW Malaysia, Cố vấn cấp cao Thủ tướng Malaysia, GS Shin-ichi Fukuda (University of Tokyo), GS Tokuo Iwaisaka (University of Hitotubashi), GS David Ding (Singapore Management University), GS Martin Young (University of Massey), GS Sun Qian (University Fudan)…
Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Việt Dũng – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nhấn mạnh mối quan tâm của Nhà trường trong việc thúc đẩy nghiên cứu và trao đổi khoa học gắn liền với thực tiễn, nhằm đưa ra các phân tích và khuyến nghị chính sách kịp thời cho các vấn đề trong nước và quốc tế cho các cơ quan quản lý trong lĩnh vực kinh tế-tài chính-ngân hàng.
Hoạt động thương mại của thế giới là chuỗi cung ứng toàn cầu và các tập đoàn đa quốc gia. Không một quốc gia hoặc bên liên quan nào được hưởng lợi từ một cuộc chiến thương mại cả.
Các diễn giả cho rằng, Hoa Kỳ mặc dù ghi nhận tầm quan trọng của cạnh tranh trong việc thiết lập thương mại bình đẳng nhưng luôn cho rằng sân chơi này thường bất lợi cho họ.
Taị nhiều quốc gia bao gồm cả Trung Quốc, các công ty Hoa kỳ tiếp cận thị trường thường bị hạn chế, trong khi các công ty của các quốc gia đối tác thường dễ dàng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Hơn nữa, Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo việc các thị trường nước ngoài không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thậm chí còn vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ. Ngay khi hiểu rằng, sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại nhưng Hoa Kỳ vẫn tin rằng họ sẽ chịu tổn thất ít hơn các đối thủ. Với sức mạnh của nền kinh tế cộng với lợi thế về thị trường, buộc các đối thủ phải chịu các áp lực lớn từ lệnh trừng phạt, ngay cả khi những điều này trái với quy định của WTO.
Tại sự kiện, các diễn giả chia sẻ, những gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến nhiều công ty nước ngoài phải di chuyển ra khỏi Trung Quốc và bước vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia tiếp nhận này, cũng hiện đang có thặng dư thương mại với Mỹ, hoàn toàn có thể sẽ trở thành mục tiêu của Hoa Kỳ trong tương lai. Mức độ ảnh hưởng đầy đủ của những gián đoạn này sẽ lớn đến mức nào tùy thuộc vào việc chiến tranh thương mại có còn tồn tại hay không? Nếu như sự dịch chuyển là sự tìm “thị trường” quay đối đầu thì Hoa Kỳ sẽ có phản ứng như thế nào đối với khu vực lưu trú của các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc? Liệu Việt Nam có trở thành “bàn dập” của cuộc chiến thươn mại Mỹ – Trung không?
Các đại biểu khuyến nghị, WTO cần tiến hành cải cách hướng tới thương mại công bằng hơn, bao gồm vai trò của các DNNN, quyền sở hữu trí tuệ, một hệ thống toàn diện để giải thích cho hành vi có trách nhiệm với môi trường và vai trò trong tương lai của các nền kinh tế mới nổi cũng như các thỏa thuận khu vực và song phương. Ngoài ra, cần phải có hình phạt mạnh mẽ để tránh vi phạm các quy tắc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của BIS và IMF để thường xuyên theo dõi tác động của căng thẳng thương mại với sự ổn định tiền tệ và thị trường tài chính, đặc biệt là tăng trưởng toàn cầu. Về vấn đề này, cần xem xét việc thiết lập một thỏa thuận chính thức khu vực châu Á nhằm giám sát và đánh giá tác động đối với châu Á.
Ngoài ra, các quốc gia thặng dư cần phải thực hiện cải cách cơ cấu theo hướng tiêu dùng nội địa cao hơn và tránh xung đột thương mại và các hàng rào thuế quan có thể, và mất giá tiền tệ cạnh tranh…
Mỹ Thanh