Chiều ngày 28/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc thường xuyên sử dụng đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư… Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi những nhóm bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, TS. Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh tác hại và nguy cơ của đồ uống có đường đến sức khỏe cộng đồng. Việc thường xuyên sử dụng đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, ung thư… có nguy cơ gây ra các bệnh không lây, là nguyên nhân dẫn dến tử vong lớn nhất ở Việt Nam, đặc biệt nguy hại cho trẻ em.
“WHO khuyến cáo mỗi ngày 1 người tiêu dùng không tiêu thụ quá 50 mg đường từ tất cả các nguồn thức ăn và đồ uống. Nếu tiêu dùng ít hơn cũng tốt, không ảnh hưởng đến sức khoẻ”, TS Angela Pratt nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo, ở Việt Nam, người tiêu dùng tiêu thụ đồ uống có đường cao và có xu hướng gia tăng.
Hội thảo “Cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng”
Từ năm 2009-2023, người dân Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần. Trung bình 1 người dân Việt Nam tiêu thụ 70 lít đồ uống có đường/năm, tương đương 1,3 lít trong 1 tuần.
Vì vậy, WHO khuyến cáo cần giảm lượng đường tiêu thụ tự do mỗi ngày ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào, giảm xuống còn 5%, tương đương 25 g, khoảng 5-6 muỗng cà phê để có lợi hơn cho sức khoẻ.
Cùng với các khuyến cáo, để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, các chuyên gia đều cho rằng, cần có giải pháp lâu dài.
Theo TS. Angela Pratt, khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các loại đồ uống lành mạnh, phù hợp sức khỏe hơn. Các nhà sản xuất sẽ có sự điều chỉnh trong công thức của đồ uống, đáp ứng với nhu cầu mới của khách hàng. Như vậy, ngành công nghiệp vẫn duy trì được giá trị kinh tế.
“Trên toàn thế giới, khoảng 110 chính phủ đánh thuế đồ uống có đường. Do đó, WHO khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đây là giải pháp có lợi, sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế, tăng ngân sách nhà nước.” – TS. Pratt cho biết.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
Bà Đinh Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế – cho biết, việc sử dụng thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, tăng huyết áp, gút… đồng thời gây hại cho răng miệng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương khớp.
“Tiêu thụ đồ uống có đường còn gây ra những tác động nặng nề lên nền kinh tế, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau” – bà Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng trong các giải pháp can thiệp được WHO khuyến nghị. Điều này nhằm giảm tiêu thụ và tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, bao gồm cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.
“Các tác động tiêu cực của áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là không đáng lo ngại. Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, về dài hạn, cần xem xét đưa ra một lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO” – bà Thủy nhận định.
Bà Thủy cho biết thêm, hiện tại, Bộ Y tế thống nhất phương án dự kiến tiếp thu đối với dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt như đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 147/TTr-BTC ngày 15.4.2025. Theo đó mức thuế TTĐB đối với mặt hàng này có thể giãn thời gian áp dụng và lộ trình là 8% từ năm 2027 và 10% từ năm 2028.
Tuy nhiên, cần xem xét lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO.
Đại diện Bộ Y tế và WHO cùng các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc tăng cường truyền thông để cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng quá nhiều đồ uống có đường đối với sức khoẻ, nhằm giảm dần và hạn chế sử dụng. Nhiều quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có đường đã làm thay đổi hành vi sử dụng của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng chọn đồ uống lành mạnh hơn, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm sang hướng có lợi cho người tiêu dùng hơn.
Đại diện HealthBridge đã phát động cuộc thi báo chí giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Tại hội thảo, Tổ chức HealthBridge đã phát động cuộc thi báo chí truyền thông về giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Thời gian nhận bài: 28/4/2025 – 11/6/2025.
Cơ cấu giải thưởng, gồm: 1 giải nhất (trị giá 5.000.000 đồng); 2 giải nhì (3.000.000 đồng/giải); 3 giải ba (2.000.000 đồng/giải).
Tiêu chí của giải đề cao tác phẩm báo chí có thông tin chính xác, khoa học; thông điệp rõ ràng về tác hại, thực trạng tiêu dùng đồ uống có đường. Đề xuất, kiến nghị giải pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Tác giả có nhiều sản phẩm hoặc sản phẩm được đăng tải trên nhiều nền tảng, có nhiều tương tác.
H.Nga