Singapore tiêm liều 3 cho nhân viên y tế, người trên 30 tuổi
Singapore đã tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 cho khoảng 4,5 triệu người, tính đến 7.10. Ngày 9.10, Bộ Y tế thông báo bắt đầu triển tiêm chủng liều thứ 3 cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người từ 30 tuổi trở lên đã tiêm chủng đầy đủ được ít nhất 6 tháng. Trước đó, nước này đã tiêm chủng mũi 3 cho người cao tuổi trên 50 với khoảng 57% người trong độ tuổi 50-59 và 72% người từ 60 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm đã đặt lịch hoặc đã hoàn thành mũi tiêm.
Ủy ban chuyên gia về tiêm chủng COVID-19 của Singapore cho biết, mặc dù 2 liều vaccine cung cấp “khả năng bảo vệ tuyệt vời” chống lại tình trạng bệnh nặng, nhưng có bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ chống lây nhiễm đang suy yếu dần theo thời gian.
Cũng theo ủy ban, trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm đột phá dù đã tiêm vaccine tăng lên, bắt đầu từ khoảng 6 tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng đầy đủ.
“Điều này góp phần làm tăng tỉ lệ nhiễm mới hàng ngày tại địa phương, mặc dù khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng vẫn cao. Do đó, cần phải tiêm vaccine liều tăng cường để giảm lây nhiễm và lan truyền COVID-19” – Ủy ban này nhấn mạnh.
Malaysia tiêm tăng cường cho người dễ tổn thương
Malaysia vừa qua đã cấp phép có điều kiện cho vaccine COVID-19 của Pfizer để sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và đã tiêm liều thứ 2 được ít nhất 6 tháng.
Các nhà chức trách cho biết, liều tiêm thứ 3 nhắc lại là không bắt buộc nhưng khuyến khích dành cho nhóm dễ bị tổn thương và người có nguy cơ cao.
Liều tiêm tăng cường được phép sử dụng kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau. Ngoài Pfizer, chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở Malaysia còn sử dụng vaccine AstraZeneca của Anh và vaccine do Sinovac và CanSino Biologics của Trung quốc sản xuất.
Hiện, khoảng 64% trong tổng số 32 triệu dân Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ, trong đó có 89% là người trưởng thành.
Israel
Israel gần đây thông báo chỉ cấp ”thẻ xanh” cho những người đã tiêm chủng mũi vaccine tăng cường của Pfizer hoặc mới bình phục sau mắc COVID-19, thay thế cho quy định cũ chỉ yêu cầu tiêm 2 mũi đầy đủ. Người được cấp thẻ xanh được phép vào các nhà hàng, phòng tập thể thao và các địa điểm công cộng khác.
Israel là một trong những nước đầu tiên triển khai mũi tiêm tăng cường vaccine Pfizer cho các nhóm nguy cơ cao vào tháng 7.2021 và sau đó mở rộng cho tất cả những người trên 12 tuổi. Giới chức y tế Israel ngày 14.10 khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer giúp nâng cao khả năng ngăn chặn biến chứng nặng đối với những người từ 40 tuổi trở lên. Hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường tại Israel đã được triển khai với khoảng 50% dân số và đang thể hiện hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các quốc gia Châu Âu theo đuổi chính sách khác nhau
Các nước Liên minh Châu Âu (EU) có các chính sách khác nhau trong triển khai mũi tiêm vaccine mũi 3 của Pfizer cho người trên 18 tuổi.
Các quốc gia như Pháp, Italia, Đức và Ireland đều đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường. Trong đó, Italia tiêm cho các đối tượng là người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, với ước tính tổng số khoảng 9 triệu người.
Ngược lại, Hà Lan dự định chỉ tiêm cho những người có vấn đề về suy giảm miễn dịch – chiếm số lượng khoảng 400.000 người. Hội đồng y tế Hà Lan nêu rõ: “Hiện tại, vaccine ngừa COVID-19 cung cấp khả năng bảo vệ cao chưa từng có đối với virus. Dấu hiệu duy nhất cho đến nay về việc vaccine giảm dần hiệu quả theo thời gian đến từ Israel, nhưng bản thân những dấu hiệu này vẫn cung cấp quá ít cơ sở cho một chiến dịch tiêm mũi tăng cường ở Hà Lan”.
Đan Mạch có kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và người trên 65 tuổi khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu chính thức phê duyệt.
Thụy Sĩ tuyên bố chưa triển khai tiêm mũi nhắc lại vì chưa thấy tác dụng bảo vệ của vaccine COVID-19 suy giảm theo thời gian.
Các bộ trưởng y tế liên bang và khu vực của Đức đã lo ngại về việc tỷ lệ tiêm chủng chậm lại và đã ủng hộ việc tiêm mũi tăng cường cho một bộ phận lớn dân chúng. Nhưng hội đồng chuyên gia về vaccine của Đức (STIKO) chỉ chấp thuận tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng. Họ cho biết đang xem xét mở rộng sang các nhóm khác và sẽ đưa ra khuyến nghị trong những tuần tới.
Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11, Na Uy sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng liều tăng cường vaccine COVID-19 cho người từ 65 tuổi trở lên. Theo Viện Y tế Công cộng, Hơn 90% người Na Uy từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 và khoảng 85% người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ.
Mỹ cho phép lựa chọn loại vaccine tiêm tăng cường
Kể từ ngày 13.8 tới nay, khoảng 11,6 triệu người Mỹ đã nhận được liều tăng cường vaccine COVID-19 của Pfizer hoặc Moderna khi chính phủ Mỹ quyết định cung cấp liều tiêm này cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 21.10 thông báo, người Mỹ có thể lựa chọn mũi vaccine tăng cường khác loại với các mũi tiêm chủng ban đầu tuy nhiên, vẫn khuyến nghị nên gắn bó với loại vaccine họ từng tiêm trước đó nếu có thể.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan y tế Mỹ cho phép tiêm chủng tăng cường kết hợp giữa các loại vaccine hiện đang được cấp phép sử dụng tại Mỹ, gồm Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson.
Theo các chuyên gia y tế Mỹ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các mũi tiêm nhắc lại sử dụng vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson đều giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại virus. Do đó, tất cả đều là lựa chọn tốt, có thể sử dụng linh hoạt để kết hợp lẫn nhau.
Mặc dù các loại vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng và tử vong, một số nhà khoa học của chính phủ Mỹ đã gợi ý rằng cần phải sử dụng liều tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch cao, đặc biệt khi biến thể Delta cực kỳ dễ lây lan có thể gây lây nhiễm đột phá ở một số người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Laodong.vn