Vượt qua Trung Quốc và Hàn Quốc, Thái Lan đang vươn lên dẫn đầu, trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng khách đến VN cao nhất trong 5 tháng đầu năm.
Bà Nà là một trong những địa điểm thu hút du khách Thái Lan. ẢNH: HÀ MAI, ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN NGUỒN: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Khách Thái đổ bộ, hàng không “đua” mở đường bay
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, VN tiếp tục là điểm đến thu hút du khách quốc tế, lượng khách liên tục đạt mức 1,3 – 1,5 triệu lượt mỗi tháng kể từ đầu năm 2019. Đáng chú ý, bên cạnh 2 thị trường khách dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, ngành du lịch VN đang chứng kiến cuộc đổ bộ của dòng khách mới là khách Thái Lan. Trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan là thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với gần 216.000 lượt khách tới VN, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, Thái Lan là quốc gia đứng thứ 8 đồng thời dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong top 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của ngành du lịch Việt tính từ đầu năm đến nay.
Qua khảo sát, điểm đến tại VN được người Thái ưa chuộng nhất hiện nay là các điểm du lịch miền Trung, điển hình là Đà Nẵng. Lượng khách bùng nổ thể hiện rất rõ qua tần suất các chuyến bay từ 2 TP lớn của Thái Lan là Bangkok và Chiang Mai đến VN. Số liệu từ Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, số lượng chuyến bay từ Bangkok đến Đà Nẵng tăng mạnh với tần suất 56 chuyến/tuần (8 chuyến/ngày). Trong đó, bên cạnh Hãng hàng không Vietjet Air đang khai thác với tần suất 21 chuyến/tuần (3 chuyến/ngày), các hãng hàng không nước ngoài cũng nhanh chóng “chen chân”.
Đơn cử, kể từ ngày 1.3, Hãng hàng không Bangkok Airways bắt đầu khai thác đường bay Bangkok – Đà Nẵng với tần suất 14 chuyến/tuần (2 chuyến/ngày) và Hãng Thai Air Asia khai thác với tần suất 21 chuyến/tuần (3 chuyến/ngày). Ngay sau đó, ngày 12.4, Hãng Thai Air Asia cũng khai trương đường bay Chiang Mai – Đà Nẵng với tần suất 7 chuyến bay/tuần.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam TravelMart, nhận định: “Ngoài thuận tiện về di chuyển, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cũng có tài nguyên, hạ tầng điểm đến, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu khách Thái. Do thời tiết nắng nóng, khách từ Bangkok qua VN đặc biệt thích những nơi có khí hậu mát mẻ như Bà Nà Hills. Kể từ khi có thêm sự xuất hiện của Cầu Vàng, Bà Nà càng giống thỏi nam châm hút khách quốc tế, nhất là khách Thái”.
Không lo “tour 0 đồng”
Trước Thái Lan, ngành du lịch VN đã nhiều lần chứng kiến câu chuyện khách từ một thị trường tăng trưởng nóng rồi do quản lý yếu kém, đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, điển hình là sự biến tướng của “tour 0 đồng” đối với thị trường khách Trung Quốc. Hay như với khách Hàn Quốc, “tour 0 đồng” tuy không rầm rộ như khách Trung Quốc nhưng chúng ta cũng để mất hoàn toàn thị trường này vào tay doanh nghiệp (DN) ngoại. Các “ông lớn” Hàn Quốc như Hana Tour, Mode Tour, Lotte… là yếu tố quyết định đưa khách Hàn tới VN. Nhiều công ty Hàn Quốc còn thành lập DN tại VN để trực tiếp đón và dẫn khách. Lượng du khách Hàn tại VN tăng trưởng mạnh như vậy, công lớn là từ họ nên cũng kéo theo nguy cơ khi các “ông lớn” không còn mặn mà, chuyển sang địa điểm khác thì lập tức một lượng lớn khách Hàn Quốc sẽ bị rút theo. Do đó, khách Thái Lan đến đông, mừng nhưng cũng không thể không lo sẽ lặp lại những “vết xe đổ” trên.
Ở góc nhìn khác, ông Cao Trí Dũng cho rằng không cần quá lo ngại việc bùng nổ “tour 0 đồng” đối với thị trường Thái vì không có quá nhiều khách Thái thích tour giá rẻ như Hàn Quốc, Trung Quốc, vì thế quản lý thị trường này sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay khách từ Thái Lan sang VN chủ yếu đi lẻ, không mua tour như trước vì họ vào VN không cần visa, dễ dàng mua vé máy bay giá rẻ, đặt phòng trực truyến trên mạng; nên những DN làm ăn không đàng hoàng rất khó gom khách để tổ chức “tour 0 đồng”.
Theo ông Cao Trí Dũng, do đặc điểm thị trường khách lẻ tăng, du khách trực tiếp mua dịch vụ qua các trang bán điện tử như agoda, booking.com…, không qua đơn vị trung gian là công ty lữ hành nên nhà nước cần có sự quan tâm đúng mức, quản lý kỹ hơn đối với các trang mạng bán sản phẩm du lịch trực tuyến để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN du lịch trong nước.
Theo TNO