Mặc dù chưa vào cao điểm mùa dịch nhưng số ca mắc, ca nặng, ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) đều tăng mạnh so với mọi năm. Theo đó các địa phương đang đồng loạt ra quân thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh…
Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)
Đa dạng hình thức truyền thông
Sau hơn một tháng ra quân “Ngày chủ nhật xanh”, đến nay lực lượng chức năng và người dân quận Bình Tân đã thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại 130 khu phố của 10 phường. Hơn 2.300 đoàn viên, thanh niên tham gia xóa được 10 điểm rác tồn đọng, xử lý 17 tấn rác thải, phát quang bụi rậm và phun khử khuẩn 45 điểm. Trong 6 tháng năm 2022, trung tâm y tế đã phối hợp UBND các phường kiểm tra 1.368/1.368 điểm nguy cơ với 5.934 lượt. Qua đó phát hiện 118 điểm nguy cơ lăng quăng…
Bác sĩ Trần Hùng – Trưởng phòng Y tế quận Bình Tân – cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, quận Bình Tân đã xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như kiện toàn ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện. Bình Tân xác định mọi người dân, đoàn thể, ban ngành phải chung tay hành động theo phương châm của ngành y tế và của các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, Bình Tân chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân.
“Quan trọng nhất của công tác phòng chống dịch bệnh là truyền thông để người dân nắm bắt thông tin, hưởng ứng, biết cách phòng chống dịch bệnh, làm sao để không có lăng quăng, không có muỗi thì không có SXH”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Quận Bình Tân có 130 khu phố thuộc 10 phường, dân số gần 800.000 người. Trên địa bàn quận có nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp; một số kênh rạch dòng chảy chưa được thông thoáng; nhiều điểm nguy cơ như các hộ chăn nuôi gia cầm, gia súc… là điều kiện thuận lợi phát sinh mầm bệnh SXH. Vì thế công tác phòng chống dịch được thực hiện nhanh, tích cực.
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả phòng chống dịch, trong công tác chỉ đạo, các ban ngành, đoàn thể 10 phường cùng tham gia vào nhóm Zalo của Trung tâm Y tế quận để nhận các thông tin chỉ đạo công tác phòng chống dịch được sát sao, kịp thời. Tính từ đầu năm đến nay, Bình Tân phát hiện 45 ổ dịch SXH, tất cả đều được điều tra, xử lý theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Tại huyện Củ Chi, địa phương này cũng tập trung vào nhóm giải pháp tuyên truyền để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh SXH.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi – cho biết, qua nhiều hình thức, Củ Chi tổ chức tận dụng hệ thống loa không dây trên 178 ấp, khu phố tổ chức tuyên truyền một ngày 2 lần tại địa phương để người dân nắm bắt thông tin. Song song đó, các ban ngành đoàn thể của huyện cũng thông qua các buổi họp, sinh hoạt các câu lạc bộ đội nhóm để lồng ghép tuyên truyền nội dung này. Bên cạnh công tác truyền thông, Củ Chi còn tổ chức lễ ra quân hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH” với nhiều nội dung để các xã, thị trấn thực hiện việc phòng chống, kiểm soát bệnh. Ngay khi ca bệnh được phát hiện, các địa phương đều tổ chức giám sát, phun xịt khử khuẩn, thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.
“Củ Chi chú ý kiểm soát chặt chẽ từ nơi ở, nơi làm việc, nơi học của các bệnh nhân để có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các trạm y tế xã, thị trấn để giải quyết những dấu hiệu ban đầu nhằm phát hiện, theo dõi, điều trị bệnh xuyên suốt thời gian để giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng. Kiểm tra và thông tin đến các phòng khám tư nhân, các nhà thuốc về nhận biết bệnh ban đầu để tư vấn cho người dân khi có dấu hiệu bệnh cần liên hệ với các cơ sở y tế để được hướng dẫn và chăm sóc”, bà Hằng cho biết.
Nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
TP.HCM là địa phương có nhiều ca mắc SXH nhất cả nước. Hiện TP ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 117,3% so với cùng kỳ năm 2021 là 7.388 ca, với số ca SXH nặng là 274 ca. Từ đầu năm đến nay TP đã có 9 trường hợp tử vong do SXH, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2021, tăng 7 ca so với trung bình 5 năm trước (2016-2020).
Ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho biết, mặc dù mùa cao điểm của SXH diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 nhưng hiện nay số ca mắc, ca nặng, tử vong đều tăng. Vấn đề này hết sức báo động.
CHỦ ĐỘNG NGĂN CHẶN TỪ XA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM – yêu cầu toàn hệ thống chính trị của TP phải nhận thức về mức độ nguy cơ SXH năm nay diễn biến nhanh, xấu, phức tạp; từ đó có trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế và các ban ngành phải triển khai đồng loạt các giải pháp phòng chống bệnh, không được chần chừ, không được chủ quan. Phải chủ động trước, ngăn chặn từ xa trước khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh ở giai đoạn cao điểm… |
Theo ông Tâm, SXH chưa có thuốc phòng ngừa và thuốc điều trị. Xét về lâu dài thì đây là bệnh nguy hiểm. Về bản chất phát bệnh, SXH có triệu chứng cơ bản là sốt và xuất huyết. Giai đoạn sốt không nguy hiểm, hết sốt mới nguy hiểm, vì vậy người bệnh, người nhà bệnh nhân hay chủ quan. Không phải lúc nào cũng thấy rõ ràng bệnh. Bệnh nhiều khi ẩn, xuất huyết trong nội tạng dẫn đến tử vong.
Mặt khác, sau dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình bệnh SXH tăng vọt. Người dân khi bị sốt thường nghĩ đến bệnh Covid-19 nên chỉ làm test nhanh mà không để ý. Qua vấn đề này, ông Tâm lưu ý các cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ không được quên bệnh SXH.
Trước tình trạng ca mắc và tử vong do SXH tăng cao, ông Tâm cho biết ngành y tế TP đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh cũng như hạn chế số ca nặng, ca tử vong. Cụ thể, ngành y tế TP đã phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống SXH”, trong đó ngoài việc phát quang bụi cây rậm, không để nước tù đọng thì vũ khí quan trọng là truyền thông.
“SXH lây qua virus Dengue nằm trong máu và đường lây thông qua muỗi vằn. Vì thế ngừa SXH đơn giản không để có lăng quăng, không cho muỗi có nơi trú ẩn và không để muỗi đốt”, ông Tâm nói.
Nguồn: giaoduc.edu.vn