Mua sắm qua mạng, mang lại nhiều ưu điểm nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề, nhiều doanh nghiệp lợi dụng mạng xã hội làm ăn gian dối, lừa khách hàng, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Vì vậy, công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường.
Người tiêu dùng luôn ở thế yếu
Người tiêu dùng luôn ở thế yếu
Trong tình hình hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Khi giao dịch mua bán qua mạng là xu thế tất yếu, nhất là sau dịch Covid-19, hình thức giao dịch này càng phát triển hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, hình thức mua bán, giao dịch qua mạng đang phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, lừa khách hàng, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không giống những gì họ đã quảng cáo. Trong sân chơi này, người tiêu dùng (NTD) luôn ở thế yếu và cần được bảo vệ. Tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng năm của Việt Nam tăng rất nhanh, trên 30%, song vấn đề đặt ra là việc bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn bị coi nhẹ trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ NTD Việt Nam, nhà nước đã ban hành Luật về thương mại điện tử. Chính phủ cũng có các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, pháp luật không phủ sóng hết được. “Những người kinh doanh gian lận họ tìm những kẽ hở để khai thác. Vì vậy, tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường”.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương), Đề án “Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” là dịp để cục ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ NTD để từ đó hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của các hoạt động; đồng thời phát huy hiệu quả của hệ thống tổng đài 1800.6838 cho công tác tư vấn, hỗ trợ NTD trên toàn quốc trong thời gian tới. Tổng đài 1800.6838 sẽ miễn phí cuộc gọi, phí tư vấn, xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu vết cuộc gọi, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu tư vấn, hỗ trợ NTD. Đồng thời, tổng đài sẽ hệ thống hóa, số hóa và điện tử hóa toàn bộ quy trình, xây dựng kết nối mở với các đơn vị để hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin, sẽ có nhóm rà soát, kiểm tra và xác minh, sau khi được phân công cụ thể sẽ rà soát, xử lý và báo cáo, liên hệ tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, NTD và có tư vấn hướng dẫn các bên liên quan giải quyết vụ việc.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, Chính phủ đã và đang xác định kích cầu tiêu dùng là một trong các mục tiêu chiến lược nhằm đảm bảo phát triển nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, việc tích cực tham gia và đóng góp của các chủ thể doanh nghiệp, người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Bộ Công Thương mong muốn và xác định Đề án sẽ góp phần tạo dựng công cụ hữu ích để doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân liên quan có thể vận dụng, khai thác để đạt được các hiệu quả nhất định trong hỗ trợ và bảo vệ NTD.
Doanh nghiệp đồng hành
Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp với cam kết mang lại cho NTD những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đồng thời đã không ngừng đổi mới và phát triển các sản phẩm, hướng tới bảo vệ quyền lợi của NTD. Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn TH – cho biết, TH cam kết bảo đảm thông tin minh bạch, đầy đủ và chính xác về sản phẩm đối với NTD góp phần đảm bảo quyền được thông tin của NTD. Đáng chú ý, Tập đoàn TH đã đề xuất lên các bộ, ngành đề nghị ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu trên bao bì sản phẩm để NTD có cơ hội lựa chọn những sản phẩm phù hợp, an toàn nhất. Đặc biệt, đường dây nóng hoạt động 24/24h của TH không chỉ cung cấp các thông tin tư vấn về dinh dưỡng, cách thức sử dụng sản phẩm mà còn kịp thời ghi nhận và giải quyết các thắc mắc, phản ánh của NTD.
Chia sẻ về công tác triển khai các chương trình bảo vệ quyền lợi NTD, ông Hoàng Thế Nhu – Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 – cho biết, doanh nghiệp thường xuyên triển khai các chương trình, hoạt động nhằm hưởng ứng và tri ân khách hàng vào các dịp lễ, các ngày đặc biệt trong năm và tháng, đặc biệt là các chương trình hưởng ứng hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD vào tháng 3 hàng năm với nhiều chương trình, sự kiện hấp dẫn.
Với mục tiêu mang đến cho khách hàng những sản phẩm dệt may tốt nhất, May 10 đang từng bước phát triển hệ thống phân phối trên toàn quốc với quan điểm “Tất cả các điểm bán hàng của May 10 là một điển hình thu nhỏ, có dấu hiệu nhận biết thương hiệu riêng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng nhận biết được thương hiệu một cách dễ dàng” và “Phát triển thương hiệu gắn liền với bảo vệ thương hiệu cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD”. Do vậy, việc quản lý và phát triển kênh phân phối cũng chính là nhiệm vụ cũng như mục tiêu phát triển của thương hiệu May 10.
Đồng thời, đầu tư nhân lực, công nghệ vào công tác thiết kế để nâng cao chất lượng của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo hệ thống phân phối được quy chuẩn theo thể thống nhất trên toàn quốc. Triển khai các website bán hàng trực tuyến, thực hiện kiểm soát chất lượng ở từng công đoạn, từng khâu của quá trình sản xuất, áp dụng sử dụng mã số, mã vạch trên từng sản phẩm, tem chống hàng giả, sợi chống hàng giả… qua đó, giúp khách hàng phân biệt rõ hơn về sản phẩm của May 10.
Bộ Công Thương đã nâng cấp tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD với đầu số 1800.6838 sử dụng trên toàn quốc; 6838 tương ứng với các chữ “N”, “T”, “D’, “V” trên bàn phím điện thoại, mang ý nghĩa “Người Tiêu Dùng Việt”. |
Theo báo Công thương