Sản lượng cá tra của Ấn Độ có thể tăng lên 630.000 tấn vào năm 2020 nên ngành cá tra Việt Nam có thể sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh mới.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2019 ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại chiếm 38,9% tổng kim ngạch; xuất khẩu cá tra chiếm 23,4%; cá ngừ chiếm 8,7%. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Riêng đối với mặt hàng cá tra, Trung Quốc, Mỹ và Mexico tiếp tục là các thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dẫn dự báo của các chuyên gia tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thuỷ sản năm 2018 (GOAL 2018) cho biết, sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8%, lên 630.000 tấn vào năm 2020. Do đó, trong tương lai, ngành cá tra Việt Nam có thể sẽ gặp thêm một đối thủ cạnh tranh mới.
Dự báo của các chuyên gia cũng cho biết, trong nhiều năm gần đây, nuôi cá tra đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ đang trở nên ưa chuộng sản phẩm cá tra, sau khi thưởng thức sản phẩm này được nhập khẩu từ Việt Nam.
Cá tra của Ấn Độ được nuôi chủ yếu ở bang Andhra Pradesh (60% sản lượng năm 2018), tuy nhiên đang mở rộng thêm sang các bang phía bắc khác như Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Sản lượng tăng mạnh có thể khuyến khích các nhà sản xuất Ấn Độ xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.