Nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy ngò ta (rau mùi, ngò rí) tác động mạnh đến một cơ chế điều chỉnh hoạt động điện trong tim, não, cùng vô số công dụng phòng bệnh khác.
Giáo sư Geoff Abbott và các cộng sự từ Đại học California ở Irvine (Mỹ) vừa chứng minh lá ngò ta (Coriandrum sativum, còn gọi là rau mùi, ngò rí, mùi ta…) chứa chất đặc biệt có khả năng chống lại “rối loạn kênh kali kiểm soát điện áp thần kinh phân họ Q (KCNQ)”. Rối loạn này dẫn đến bệnh động kinh nghiêm trọng mà các thuốc chống co giật hiện đại cũng phải bó tay.
Ngò ta (ngò rí, rau mùi, mùi ta…) là loại rau thơm dễ tìm và tốt cho sức khỏe – Ảnh minh họa từ internet
Chất đặc biệt đó là aldehyde béo chuỗi dài (E) -2-dodecenal, có thể kích hoạt nhiều kênh kali KCNQ, từ đó điều chỉnh hoạt động điện trong não và tim của con người. Điều này giúp loại rau thơm này có khả năng giúp trì hoãn một số cơn động kinh phổ biến trong bệnh động kinh và các bệnh khác có xuất hiện triệu chứng động kinh.
Vì thế, việc ăn rau ngò ta để chống động kinh không hề là một huyền thoại. Quan trọng là cần tìm cách để sử dụng nó hiệu quả hơn, vì dụ như ứng dụng nó để chế ra một loại thuốc chống co giật an toàn thế hệ mới.
Nghiên cứu còn tìm ra vô số đặc tính có lợi cho sức khỏe khác của loại rau thơm này: giảm nguy cơ ung thư, kháng viêm, chống nấm, kháng khuẩn, bảo vệ hệ tim mạch, bảo vệ sức khỏe dạ dày và giảm đau. “Và, công dụng tốt nhất là nó có vị ngon” – giáo sư Abbott nói.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học FASEB Journal.