Sau khi bà Lê Diệp Kiều Trang về làm Tổng giám đốc Go-Viet hồi tháng 4, ứng dụng gọi xe này tăng tốc tuyển hàng chục giám đốc chuyên trách. Go-Viet là thành viên cuối cùng trong “bộ tứ quyền lực” của thị trường gọi xe chưa có ví điện tử.
Sau thời gian khá lâu gần như ‘đứng yên’ với 3 dịch vụ cơ bản là gọi xe hai bánh, giao đồ ăn và giao hàng, Go-Viet bắt đầu có chuyển động mới kể từ tháng 7/2019. Theo đó, ứng dụng này đang đăng tuyển hàng chục vị trí giám đốc chuyên trách. Thông tin còn được đích thân Tổng giám đốc Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) chia sẻ trên trang cá nhân.
Cụ thể, một số vị trí quan trọng mà Go-Viet đang tuyển gồm Giám đốc Vận hành tại thị trường Hà Nội, Giám đốc Tiếp thị , Giám đốc Khối doanh nghiệp, Giám đốc Pháp chế, Giám đốc Quản trị Hệ thống Kinh doanh thông minh, Giám đốc phụ trách Quan hệ với Chính phủ, Giám đốc Quản lý Gian lận… Điểm chung của các vị trí này là hầu hết đều đòi hỏi từ 8 năm kinh nghiệm. Một số vị trí yêu cầu thêm ít nhất 2 năm kinh nghiệm ở vai trò lãnh đạo tương đương.
Cùng với việc tìm hàng loạt giám đốc mới, Go-Viet còn tuyển thêm quản lý các mảng về tiếp xúc với tài xế, pháp chế, quản lý gian lận, kỹ sư dữ liệu… Theo bà Trang, sắp tới công ty còn tuyển thêm các vị trí cấp trung sau đợt chiêu mộ nhân tài cấp cao này.
Trong lần tuyển dụng này, Go-Viet còn tuyển một Giám đốc Phát triển Kinh doanh cho Go-Pay Vietnam và một Giám đốc Pháp chế cho Go-Pay. Trong đó, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Go-Pay Vietnam đòi hỏi có trên 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ví điện tử, thương mại điện tử và thanh toán.
“Vào tháng 8/2018, Go-Jek đã ra mắt dịch vụ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam và đến nay đang hoạt động tại hai thành phố (TP HCM và Hà Nội), tạo ra sự tăng trưởng to lớn. Theo chiến lược mở rộng quốc tế của chúng tôi, vị trí này có cơ hội là một phần của đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Go-Pay tại Việt Nam sẽ ra mắt”, bảng tin tuyển dụng hé lộ về kế hoạch lấn sân vào ví điện tử của Go-Viet.
Go-Viet là thành viên cuối cùng trong “bộ tứ quyền lực” của thị trường gọi xe chưa có ví điện tử. Cho đến nay, Grab đã có Moca, FastGo có Vimo, với cả hai cùng thuộc tập đoàn mẹ NextTech. Trong khi đó, ‘be’ sắp tung loạt giải pháp về thanh toán lẫn cho vay sau khi ký hợp tác chiến lược với VPBank.
Dù đã gần một năm vận hành, người dùng Go-Viet vẫn có lựa chọn thanh toán duy nhất là bằng tiền mặt. Tuy nhiên, tại Indonesia, Go-Pay của Go-Jek đang thống trị thị trường khi hợp tác với gần 400.000 đối tác kinh doanh, tính đến tháng 12/2018.
Năm ngoái, tổng giá trị của các giao dịch qua ví này tại Indonesia đạt 6,3 tỷ USD. Theo báo cáo gần đây của RedSeer, Go-Pay hiện nắm giữ thị phần cao nhất của thị trường ví điện tử Indonesia.
Theo VNE