Nông nghiệp TPHCM đa dạng với nhiều trang trại trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, khu công nghệ cao, sản phẩm đặc trưng. Với lượng khách trong và ngoài nước đến TPHCM rất nhiều, đó là lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy các sở ngành, công ty lữ hành có phối hợp với nông dân, nhưng du lịch nông nghiệp chưa “cất cánh”, vì sao?
Du khách được trải nghiệm tát nước bắt cá tại khu du lịch sinh thái nông nghiệp
Bỏ hoang “mảnh đất vàng”
TPHCM có 5 huyện ngoại thành là Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang cùng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, như nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống, vườn sinh thái, vườn trái cây, làng hoa… Hàng năm, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến thành phố khá lớn nên có thể khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, đó cũng là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp hiện tại và trong thời gian tới.
Với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều ở mức 20% – 30%, xu hướng dịch chuyển của khách du lịch hiện tại và thời gian tới thích gắn với cộng đồng, với nông thôn để trải nghiệm thiên nhiên.
Phân tích tiềm năng du lịch nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhận xét từ trung tâm thành phố đến các điểm du lịch nông nghiệp rất thuận lợi về giao thông, cả đường bộ lẫn đường sông. Bên cạnh đó, các điểm du lịch đều có không gian rộng lớn, nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú … phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch. Nông nghiệp có thể nói là “mảnh đất vàng” để khai thác sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch tại thành phố. Dẫu vậy, năm 2018, có trên 500.000 lượt khách tham quan đến các điểm nông nghiệp, nhưng chủ yếu tham quan đi về trong ngày nên chưa đạt hiệu quả.
Vì sao được đánh giá cao nhưng sản phẩm chưa hình thành? Nguyên nhân là các công ty du lịch và nhà vườn không đi đến “tiếng nói” chung. Dù nhiều công ty du lịch đến khảo sát, nhưng 3 năm qua vườn lan của HTX Hoa lan Huyền Thoại vẫn chưa hoạt động thành công với nhiều lý do. Trong đó có lý do du khách vào tham quan khu vườn sản xuất có thể mang theo mầm bệnh từ bên ngoài vào gây nhiễm khuẩn cây lan, làm giảm năng suất.
Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX Hoa lan Huyền Thoại, nhìn nhận: “Để hoa không nhiễm bệnh và thu hút khách, phải quy hoạch một khu vườn riêng với nhiều tiểu cảnh và thường xuyên tôn tạo liên tục, nhưng để làm được điều này thì kinh phí rất lớn.
Đối với hoa lan không phải là sản phẩm để du khách thuận tiện mang đi nên rất khó bán. Do đó, HTX kêu gọi đầu tư khu tham quan nhưng không có công ty du lịch nào phối hợp, địa phương cũng không hỗ trợ đất để mở rộng”. Tương tự là vườn kiểng Minh Tâm (huyện Củ Chi) cũng tạm thời không đón khách.
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nhận xét, các khu điểm du lịch nông nghiệp chủ yếu dựa trên sản xuất là chính chứ chưa đầu tư tương xứng với tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhà vườn, làng nghề còn phân bố nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Nông dân còn yếu kiến thức, kỹ năng trong việc phát triển du lịch. Tại các điểm tham quan chưa có nhà ăn, vui chơi giải trí, mua sắm, hệ thống nhà vệ sinh… để đáp ứng nhu cầu của du khách.
4 nhà hợp tác mới thành công
Theo Sở Du lịch TPHCM, một số cơ chế, chính sách hiện chưa tạo được sự thuận lợi cho người dân đầu tư và phát triển du lịch, như xây dựng công trình phụ trợ để hỗ trợ phát triển du lịch trên đất nông nghiệp; nguồn vốn vay và lãi suất từ các tổ chức tín dụng vẫn chưa khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư; các doanh nghiệp lữ hành đều đặt ra những yêu cầu khá cao và chi tiết.
Còn theo Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, các cấp chính quyền cần kêu gọi, thu hút đầu tư các điểm nông nghiệp đạt chuẩn, tăng tính trải nghiệm. Các quận huyện chủ động giới thiệu các mô hình nông nghiệp, điểm đến nông thôn mới, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đạt chuẩn.
Về lâu về dài, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề nghị nhà nước cần hoàn thiện và nâng cao hạ tầng giao thông nông thôn. Nông dân là người sản xuất, đồng thời cũng tham gia hướng dẫn du lịch nên cần xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, thuận lợi cho việc vay vốn đầu tư của các nhà vườn và cung cấp kinh phí đào tạo.
Vận dụng Đề án “Khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch” đã được UBND TPHCM phê duyệt để thu hút, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.
Hiện có nhiều chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp ở TPHCM như: Một ngày làm nông dân tại Củ Chi; Màu xanh trên vùng đất thép tại Củ Chi; Trải nghiệm sông nước Cần Giờ; Sài Gòn bức họa đồng quê tại quận 9; Nét văn hóa xưa của Sài Gòn tại các làng nghề truyền thống kết hợp với trải nghiệm sinh hoạt nông nghiệp, nông thôn tại Củ Chi, Cần Giờ; Trang trại Nông trang Xanh; Khu sinh thái giáo dục Về Quê; Nông trại Hoa Lúa…
Theo Thanh Hải/TNO