Xu thế thị trường quảng cáo hiện nay đã có sự thay đổi. Quảng cáo trực tuyến, trên các website… được ưa chuộng hơn. Hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt không còn thu hút như trước. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu giá quảng cảo trên xe buýt còn cứng nhắc nên các doanh nghiệp thận trọng, chưa mặn mà.
“Năm lần bảy lượt” đấu giá không thành
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, sau nhiều lần tổ chức đấu giá quảng cáo trên hơn 2.000 xe buýt tuy nhiên không đạt được kết quả mong muốn. Nhiều phiên đấu giá không có đơn vị, doanh nghiệp nào đăng kí tham gia.
Ngày 12/9/2017, Sở GTVT TP.HCM thông báo phát hành hồ sơ đấu giá 2.082 xe buýt thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Tài sản đấu giá là quyền khai thác quảng cáo trên 2.082 xe buýt, chia thành 4 gói trong thời hạn 3 năm, tổng giá trị gần 700 tỉ đồng.
Kết quả, Công ty Koa Sha Media Việt Nam (Nhật Bản) là đơn vị duy nhất tham gia đấu giá và đã trúng thầu quảng cáo gói 1. Ba gói còn lại chưa có nhà thầu nào đăng ký đấu giá và vẫn “ế” cho đến lần mở đấu giá thứ 2.
Trong lần đấu giá thứ 3, đơn vị tổ chức đã phải chia nhỏ các gói thầu còn lại thành 8 gói. Với mỗi gói, các tuyến xe cùng phương tiện đều có số lượng, giá khởi điểm khác nhau nhằm phù hợp năng lực của từng đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên việc đấu giá ở lần thứ ba vẫn không thu được kết quả.
Quảng cáo trên thân xe buýt không còn hấp dẫn như những năm trước. (Ảnh: TL)
Vào gần đây nhất Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM tổ chức đấu giá lần thứ 4 vào ngày 8/3/2019, song vẫn không nhận được hồ sơ nào của doanh nghiệp đăng kí tham gia. Việc tổ chức đấu gia bị trì hoãn lại để chờ hồ sơ đăng kí của các doanh nghiệp.
Được biết, lần đấu giá quảng cáo trên xe buýt lần thứ 4 này, đơn vị tổ chức đã chủ động chia nhỏ thành 11 gói đấu giá. Trong đó gói thấp nhất gồm 5 tuyến và cao nhất 8 tuyến xe buýt. Các đơn vị tham gia đấu giá cũng có thể chọn thời gian thuê quảng cáo 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, thay vì cố định 3 năm như những lần trước. Tuy nhiên phiên đấu giá vẫn không thu hút được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đấu giá.
Tuyến ‘bèo”, giá vẫn “chát”
Câu hỏi đặt ra là, tại sao qua nhiều lần tổ chức đấu giá, đến nay vẫn chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Koa Sha Việt Nam (Nhật Bản) trúng thầu Gói quảng cáo số 1? Trong khi đó, việc quảng cáo trên các xe còn lại dù đã đưa ra đấu giá nhiều lần nhưng không đơn vị nào tham gia?
Về điều này, nhiều chuyên cho rằng một trong các lý do đó là việc tổ chức đấu giá chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra do giá cả quảng cáo trên xe buýt quá cao so với các hình thức quảng cáo hiện đại hiện nay trên website, truyền hình…
Ông Nguyễn Quý Cáp – Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM cho hay, nhu cầu quảng cáo ngoài trời đã giảm và giá quảng cáo mà đơn vị tổ chức đưa ra là cao và cách thức thực hiện không hợp lý là nguyên nhân chính khiến các gói thầu mãi không có người mua.
Giá quá cao khiến quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM bị “ế”. (Ảnh: TL)
Theo Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, sản phẩm hiện nay thay đổi liên tục nên khách hàng chỉ có nhu cầu dán quảng cáo trong vòng vài tuần, cùng lắm là vài tháng. Một điều nửa là doanh nghiệp hiện đang có xu hướng chuyển sang quảng cáo trên taxi vì số lượng lớn, giá mềm, việc ký kết thực hiện trực tiếp với chủ phương tiện nên nhanh chóng và thay đổi dễ dàng.
Bên cạnh đó, mức giá TP.HCM đưa ra quá cao. Hà Nội là trung tâm quảng cáo lớn trên cả nước mà giá cũng chỉ bằng 20% so với giá Trung tâm quản lý giao thông công cộng đưa ra đấu thầu. Sự thờ ơ, không mặn mà của doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại với những gói trên là hoàn toàn dễ hiểu.
“Gói thầu số 1 mà doanh nghiệp Nhật Bản trúng thầu là gói có vị thế tuyến tốt nhất. Các gói thầu còn lại “xương xẩu” và giá đưa ra cao nên doanh nghiệp hờ hững, đấu giá thất bại là đương nhiên. Nếu không thay đổi cách thức, dù có chia nhỏ thế nào đi nữa thì các gói thầu còn lại cũng không thể thoát ế”, ông Nguyễn Qúy Cáp phân tích.
Trong khi đó lý giải về việc ế ẩm quảng cáo trên xe buýt, ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, việc chưa có đơn vị nào đăng kí tham gia đấu giá do các gói quảng cáo được chia chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc đặt cọc trước ít nhất 5% giá trị khởi điểm của gói thầu cũng gây khó khăn về vốn cho nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, khi đấu giá doanh nghiệp phải đặt cọc thấp nhất 5% số tiền quảng cáo, nhưng nếu không tìm được khách hàng sẽ bị mất số tiền đặt cọc nên họ còn e dè.
Theo Doanhnghiepvn.vn