Theo dòng chảy công nghệ, lực lượng lao động thế giới đang tích cực ứng dụng AI vào công việc hằng ngày, bởi AI đem đến nhiều tác động tích cực.
Tại thị trường Việt Nam, AI đang được sử dụng với tỷ lệ rất lớn, cả với lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và các lĩnh vực phi công nghệ (non-IT). Cụ thể, theo khảo sát từ trang web tuyển dụng TopCV, hơn 82,6% nhân viên Non-IT và 93,49% nhân viên IT hiện đã sử dụng AI trong công việc hằng ngày.
AI đe dọa việc làm của nhiều ngành |
Ngoài ra, một khảo sát vào năm 2024 cho thấy, 70% người lao động Việt Nam tự tin rằng họ có thể thích nghi với AI trong công việc. Họ nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập và phát triển bản thân để duy trì lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, những người lao động trẻ thường có xu hướng chủ động hơn trong việc tiếp cận công nghệ AI và coi đó là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của AI là tăng năng suất và hiệu quả công việc. AI hỗ trợ tự động hóa các quy trình lặp đi lặp lại, giúp nhân viên dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ chiến lược và sáng tạo. Một trong những ví dụ điển hình là các công cụ chatbot và trợ lý ảo, được ứng dụng rộng rãi trong ngân hàng để hỗ trợ khách hàng và xử lý dữ liệu. Theo báo cáo, 49,7% nhân viên cho biết năng suất làm việc tăng hơn 31% nhờ vào việc ứng dụng AI.
Hoặc trong ngành y tế, AI giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ bệnh án và hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Tương tự, trong giáo dục, các nền tảng dựa trên AI đã được triển khai để cá nhân hóa trải nghiệm học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Bên cạnh đó, AI còn là động lực thúc đẩy người lao động học tập và phát triển kỹ năng liên quan đến công nghệ. Những ngành nghề mới như phân tích dữ liệu, phát triển hệ thống AI, và quản lý dự án số đã mở ra cơ hội lớn cho lao động trẻ và có kỹ năng cao. Việc tương tác với AI không chỉ giúp người lao động nâng cao năng lực mà còn tăng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm vượt trội này, AI cũng tạo nên những thách thức không nhỏ đối với lực lượng lao động.
Đầu tiên không thể không kể đến là nguy cơ mất việc làm. Một số ngành nghề dễ bị thay thế bởi AI, đặc biệt là những công việc có tính chất lặp đi lặp lại hoặc yêu cầu kỹ năng thấp như nhập liệu, kiểm tra chất lượng sản phẩm, và xử lý dữ liệu cơ bản. Điều này đã khiến một bộ phận người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Theo nghiên cứu, nếu không nhanh chóng thích nghi, những người lao động này có thể bị tụt hậu so với thị trường
Theo kết quả khảo sát Future of Jobs Report mới công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 41% doanh nghiệp trên thế giới có ý định cắt giảm nhân sự vì công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp tự động hóa một số nhiệm vụ tại công sở.
Bà Saadia Zahidi, giám đốc điều hành WEF, cho biết các vị trí như nhân viên dịch vụ bưu điện, thư ký pháp lý, thiết kế đồ họa, phân tích dữ liệu cơ bản,v.v. nằm trong nhóm công việc mà nhiều nhà tuyển dụng dự kiến cắt giảm số lượng mạnh nhất trong những năm tới, một phần do sự phát triển của AI và một phần do các xu hướng khác.
Vài năm trở lại đây, nhiều công ty công nghệ, như dịch vụ lưu trữ tệp Dropbox và ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo, đều lấy AI làm lý do để sa thải nhân viên.
Tuy nhiên báo cáo cũng nêu rõ một điểm lạc quan, đó là tác động của AI đến thị trường lao động, đó là tiềm năng nâng cao các kỹ năng của con người thông qua “hợp tác giữa con người và máy móc”, chứ không phải để máy móc thay thế hoàn toàn con người.
Đây là một xu hướng đã, đang và sẽ diễn ra. Gần 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết dự định tuyển lao động mới có kỹ năng thiết kế và cải tiến công cụ AI. 62% có kế hoạch tuyển thêm lao động có kỹ năng làm việc cùng AI.
Bên cạnh đó, sự phát triển của AI cũng đòi hỏi người lao động phải tích cực học hỏi hơn bao giờ hết. Giờ đây, người lao động không chỉ cần hiểu biết cơ bản về AI mà còn phải biết cách áp dụng nó vào công việc. Các doanh nghiệp đã bắt đầu yêu cầu nhân viên tham gia các khóa đào tạo để nâng cao khả năng thích nghi và sử dụng công nghệ .
Trong bối cảnh AI ngày càng thống trị, việc mà người lao động cần làm là đầu tư vào việc học hỏi và nâng cao kỹ năng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần triển khai chương trình đào tạo để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Hay nói cách khác, một chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời đại AI.