Chuyên đề “Cổ vật kể chuyện Xuân” trưng bày từ nay đến hết ngày 10/3/2025 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, với 3 chủ đề chính, gồm: Tết xưa; hiện vật kể chuyện mùa xuân (Gốm Xuân); phòng Áo dài xưa – Trang phục biểu tượng của Tết Việt Nam.
Qua mỗi chủ đề, người xem sẽ thấy được những câu chuyện thú vị ẩn chứa trong từng hiện vật, những câu chuyện về mùa xuân xưa và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn còn trường tồn và giá trị đến ngày nay.
Tại khu vực trưng bày chủ đề Tết xưa, du khách sẽ được ngắm nhìn một ngôi nhà cổ trang trí Tết với bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả, hoành phi, câu đối, bộ bàn trà… Trong văn hóa Việt Nam, bàn thờ gia tiên không chỉ đơn thuần là nơi cúng bái mà còn là một biểu tượng tâm linh sâu sắc. Bộ tam sự là một trong những bộ đồ thờ cúng quan trọng nhất trên bàn thờ gia tiên của người Việt Nam.
Theo tiếng Hán, “tam” có nghĩa là 3, tức bộ tam sự gồm 3 món: Đỉnh (lư) và đôi chân nến, thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ, bên cạnh bát hương nhằm thể hiện sự hòa hợp giữa trời – đất – nhân, cầu mong gia đình luôn được bình an, thịnh vượng. Bên cạnh đó, còn thể hiện lòng hiếu thảo và tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, thần linh.
Khu vực trưng bày gốm xuân cũng đặc sắc không kém khu vực Tết xưa. Khu vực có nhiều cổ vật như: Bộ đĩa gốm Chu Đậu vẽ Tứ thời (Mai – Lan – Cúc – Trúc); bộ sưu tập ông địa; heo đất; bộ trà Mai Hạc; tích trà “thiên hạ thái bình”; bình gốm Biên Hòa; Bình hoa gốm Châu Ổ…
Bộ sưu tập hộp đựng mứt thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, chuyên đề trưng bày còn giới thiệu đến khách tham quan những bộ trang phục, trang sức đi kèm của phụ nữ trong ngày đầu năm mới, phản ánh rõ nét những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của phụ nữ thời xưa. Dù thời gian có trôi qua, trang phục Tết cổ truyền vẫn giữ nguyên giá trị, là cầu nối cho thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Tượng cô gái Sài Gòn giữa thế kỷ XX.
Nhà sưu tập Lê Văn Kiên (TP Vũng Tàu), là một trong số các nhà sưu tập đã phối hợp cùng Bảo tàng thực hiện trưng bày chuyên đề “Cổ vật kể chuyện Xuân”, chia sẻ: “Tôi mang đến chuyên đề lần này bộ tách trà “Mai Hạc”, bộ độc bản và được làm từ đầu thế kỷ 19, thời vua Gia Long. Bộ trà gồm có 4 món “dầm, bàn, tống, tốt”, với men sứ trắng mịn, nét vẽ xanh lam Hồi, khi đậm khi nhạt trông thật thanh thoát. Đó là hình tượng vẽ hình chim Hạc đứng co chân, ngoái đầu nhìn lại cội mai già đương nở rộ; dọc thân chén hay bên trái mặt đĩa đề hai câu thơ lục bát, chữ Nôm, tương truyền của Đại thi hào Nguyễn Du: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”.
Khu vực trưng bày áo dài xưa.
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, cho biết: Mùa xuân đã về trên khắp mọi miền đất nước, mang theo không khí ấm áp của mùa xuân, mùa sum họp. Trong chúng ta, có ai chưa từng cảm thấy xao xuyến trước những câu chuyện của bà kể về một mùa xuân xa xưa, về những món đồ cổ được trân trọng gìn giữ qua bao thế hệ. Chuyên đề “cổ vật kể chuyện Xuân” không đơn thuần là một buổi triển lãm mà còn là một hành trình khám phá về quá khứ, về văn hóa và những giá trị truyền thống của dân tộc qua các phong tục tập quán trong những ngày Tết. Đây sẽ là điểm đến ý nghĩa dành cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mang lại trải nghiệm văn hóa phong phú cho mọi người”.