Sáng 3/1, UBND TPHCM tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh An Giang; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM…
26 năm trước, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1988), UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tên gọi ban đầu là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đặt tại số 5, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1. Năm 1990, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định đổi tên thành “Bảo tàng Tôn Đức Thắng”.
Bảo tàng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống trưng bày mới hiện đại, hấp dẫn, sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, năm 2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt dự án xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Quy mô bảo tàng gần 2.000m² bố trí cho diện tích trưng bày, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các chủ đề trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề ngắn hạn, khu vực cho các hoạt động trải nghiệm và các hoạt động văn hóa khác.
Không gian trưng bày cố định của bảo tàng tập trung ở tầng 3 và 4 với các chủ đề: Thời niên thiếu; từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn; 15 năm tù Côn Đảo; một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc; một vị Chủ tịch nước; và Phòng tương tác trải nghiệm.
Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng trở thành một thiết chế văn hóa động, không ngừng đổi mới cả về nội dung, kỹ thuật, mỹ thuật trưng bày, hình thức và phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho khách tham quan, kết nối linh hoạt và sâu sắc với cộng đồng nhằm thu hút công chúng; góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho giai cấp công nhân, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam.