Cuối năm là thời điểm các loại tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi. Dưới đây là một số chiêu trò lừa đảo phổ biến cuối năm người dân cần cảnh giác.
Lừa đảo “săn sale” cuối năm
Cuối năm cũng là thời gian cao điểm người dân mua sắm, các thương hiệu cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá nhằm kích cầu mua sắm. Lợi dụng tâm lý “săn sale” (săn mã giảm giá, ưu đãi), các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki.
Ngoài ra, lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các trang Fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm, từ đó dẫn dụ nạn nhân đặt mua với mức chiết khấu cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giả danh shipper lừa chuyển khoản
Thủ đoạn giả danh shipper (người giao hàng) lừa chuyển khoản là hình thức lừa đảo mới nhưng đã khiến nhiều người sập bẫy. Đối tượng giả danh nhân viên giao hàng gọi điện giao hàng khi khách hàng không có ở nhà và yêu cầu khách hàng thanh toán chuyển khoản
Thực chất là khách hàng không có đơn hàng nhưng vẫn chuyển khoản thanh toán vì lý do nào đó (mua hàng quá nhiều dẫn đến không nhớ cụ thể từng đơn; vội xử lý việc khác nên thanh toán cho xong…). Khi khách hàng phản hồi không nhận được hàng, đối tượng sẽ dẫn dụ nạn nhân đăng ký thành viên để được hoàn tiền theo đường link chứa mã độc do đối tượng cung cấp, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Lừa đảo bán vé máy bay, phòng khách sạn giá rẻ
Lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là các kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các chiêu trò lừa đảo bán vé máy bay, tàu xe giá rẻ hay bán phòng khách sạn giá rẻ đang ngày càng biến tướng, khiến nhiều người dân sập bẫy.
Mới đây, Vietnam Airlines đã ghi nhận một số website có tên miền, giao diện, màu sắc, logo giống với website chính hãng của Vietnam Airlines để bán vé máy bay đến khách hàng, từ đó chiếm đoạt tiền đặt vé của nạn nhân.
Các cơ sở lưu trú cũng liên tục bị các đối tượng xấu tạo lập các Fanpage giả mạo, sử dụng những hình ảnh, bài đăng hoàn toàn giống so với cơ sở lưu trú thật để lừa đảo nạn nhân đặt phòng với mức chiết khấu cao, giá phòng rất rẻ so với giá niêm yết. Sau khi nạn nhân đồng ý đặt phòng, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân đặt cọc giữ chỗ từ 70-100% với lý do cuối năm là cao điểm du lịch, nếu không chuyển tiền trước thì khách sạn không giữ phòng. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân. Thủ đoạn mạo danh cơ sở lưu trú để lừa tiền đặt phòng là chiêu trò không mới, thường rộ lên trong mùa cao điểm du lịch. Điểm chung của thủ đoạn này là bán phòng giá rẻ hơn rất nhiều so với giá niêm yết để đánh vào tâm lý ham rẻ của du khách.
Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, đáng chú ý là các chiêu trò lừa đảo mạo danh vẫn liên tục biến tướng, người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận nhận được mà không tốn sức lao động; Không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết;
Cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Theo Tiêu dùng