Sáng ngày 23/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Thay giáp” doanh nghiệp thời đại số với ERP, tạo đà khai phá tiềm năng mới cùng nền tảng Low-code. Hội thảo nhằm trang bị cho nhà quản lý những kiến thức và công cụ cần thiết để đưa ra các quyết định chiến lược sáng suốt, ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham gia của 350 khách mời là các nhà quản lý cấp cao. Cùng với đó là các chuyên gia giàu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tư vấn chiến lược quản trị, tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp như: Ông Phí Anh Tuấn – Chủ tịch Công ty Tư vấn P.A.T; Ông Vương Quân Ngọc – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital; Ông Trần Quốc Khánh – Nhà sáng lập VietSuccess; Ông Alexander Evchenko – Giám đốc 1C Việt Nam; Ông Alexey Kislov – Trưởng dự án 1C:ERP và Ông Dmitry Shitov – Kiến trúc sư giải pháp triển khai dự án Vietjet Air.
Tại đây, những câu hỏi về Giải pháp ERP mới – Cuộc cách mạng nào cho quản lý doanh nghiệp đã được các chuyên gia bàn luận và cùng giải đáp, tìm ra đáp án đâu là những tính năng đột phá và xu hướng mới nhất của phần mềm ERP hiện đại và Cách mạng hóa quản lý doanh nghiệp với công nghệ lập trình ít mã code, giải pháp công nghệ của 1C có gì đặc biệt để cạnh tranh trên thị trường? Các diễn giả đã mang đến những chia sẻ thực tiễn, những giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong kỷ nguyên số.
Theo đó, ERP (Enterprise Resource Planning) là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, phần mềm bao gồm các hoạt động quản lý từ tài chính, nhân sự đến sản xuất, bán hàng. Ứng dụng ERP giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và kiểm soát chặt chẽ các quy trình, từ đó giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa nguồn lực và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn.
Những năm qua, thị trường ERP toàn cầu đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, doanh thu toàn cầu của phần mềm ERP đã tăng 9%, đạt mức 39 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua 49,5 tỷ USD vào năm 2024. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao về hiệu quả hóa hoạt động và tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Dự kiến tốc độ tăng trưởng CAGR của châu Á đạt 13,2%, tương ứng với 78,4 tỷ USD vào năm 2026. Điều này cho thấy ERP đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp.
Báo cáo khảo sát do Panorama thực hiện cho thấy, thị trường ERP Việt Nam 2022, sản xuất vẫn là ngành sử dụng phần mềm ERP lớn nhất, chiếm 26,4%. Điều này là dễ hiểu do sự phức tạp của quá trình sản xuất. Nếu không có phần mềm ERP sẽ khó lên kế hoạch sản xuất, tự động hóa quy trình, khó kiểm soát và tối ưu hoạt động kinh doanh. Theo sát phía sau lĩnh vực sản xuất là các lĩnh vực dịch vụ & công nghệ thông tin ở mức 17,1 %, y tế chiếm 13,6% và xây dựng ở mức 11,4%.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày và thảo luận về nội dung như: ERP – Công cụ tối ưu cho doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số. Tìm hiểu về hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, lợi ích và triển vọng tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là giải pháp ERP mới, cuộc cách mạng nào cho quản lý doanh nghiệp? Những tính năng đột phá và xu hướng mới nhất của phần mềm ERP hiện đại. Và nền tảng công nghệ Low-code: Cách mạng hóa quản lý doanh nghiệp với công nghệ lập trình ít mã code, giải pháp công nghệ của 1C có gì đặc biệt để cạnh tranh trên thị trường?
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, thị trường ERP tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, song song với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các rào cản chính bao gồm chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và chưa am hiểu về lợi ích của ERP. Việc xây dựng và phát triển các giải pháp trên nền tảng tối ưu là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và tiết kiệm nguồn nhân lực, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp ERP.
Bên cạnh ngành sản xuất, thị trường ERP cho ngành bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Nhu cầu về các giải pháp ERP ngày càng cao, đặc biệt là từ các doanh nghiệp bán lẻ, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Các ứng dụng của ERP trong quản lý hàng tồn kho, dự báo nhu cầu, vận hành cửa hàng và kho bãi đang đóng vai trò quan trọng. Sự phát triển của ERP trên nền tảng đám mây và xu hướng số hóa trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này trong tương lai, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu và tăng tính linh hoạt.
Trước áp lực cạnh tranh và sự biến động của thị trường, các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý thông tin một cách hiệu quả. ERP là giải pháp tối ưu, giúp doanh nghiệp hệ thống hóa mọi hoạt động, từ quản lý hàng hóa tồn kho đến quản lý khách hàng, tạo ra một cơ sở dữ liệu minh bạch, thống nhất. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro. Với những lợi ích vượt trội, ERP đang trở thành công cụ không thể thiếu để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng đánh giá, ERP không chỉ là một công cụ hỗ trợ quản lý mà còn là một chiến lược quan trọng để doanh nghiệp tăng trưởng. Sự thành công của ERP phụ thuộc vào cả công nghệ và con người. Trong đó người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án ERP. Họ không chỉ cần có tầm nhìn rõ ràng và sự quyết đoán, mà còn phải là người truyền cảm hứng và tạo động lực cho toàn bộ tổ chức. Bằng cách tập trung vào từng giai đoạn triển khai, các tổ chức có thể đảm bảo rằng nhân viên trở thành những người ủng hộ nhiệt tình cho sự thay đổi toàn bộ quy trình trước đó. Việc ứng dụng ERP mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành lên đến 16%, tăng năng suất lao động 27%, và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.
Trong kỷ nguyên số, khả năng quản lý thông suốt của giải pháp ERP là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thành công. Việc xác định và tự động hóa các quy trình là bước đệm quan trọng để đạt được điều đó. Tại sự kiện này, 1C Việt Nam với kinh nghiệm dày dặn và nền tảng low-code mạnh mẽ, đã hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp triển khai ERP thành công. Không chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm, 1C còn đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng một hệ thống quản lý toàn diện, từ đó khai thác nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt và nâng cao năng suất làm việc. Với các tính năng nổi bật, đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và thương mại, nhằm giúp các doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.
Khả năng tùy biến cao với đầy đủ tính năng như quản lý sản xuất, quản lý tài chính, quản lý bán hàng, giải pháp ERP quản trị tổng thể của 1C Việt Nam (1C:ERP) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, từ khâu sản xuất đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Giải pháp này giúp doanh nghiệp hoạch định nguồn lực, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, giúp theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại.
Các chuyên gia cũng nhận định, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp đã tiếp cận những giải pháp toàn diện cho quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, 12 tháng tới là giai đoạn cam go, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hành động quyết liệt. Nắm bắt thời cơ và đổi mới, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ vào quản trị là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một hệ thống quản lý tinh gọn, tối ưu không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi linh hoạt mà còn mở ra những cơ hội phát triển bền vững.
Mỹ Thanh