“Đêm hoa vàng” là tập thơ mới nhất của nhà thơ nữ thế hệ 7X Bình Nguyên Trang, được NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu tháng 6 /2024. Tập thơ gồm 43 bài thơ và được chia làm hai phần, dù có chút khác biệt về nội dung nhưng thống nhất về phong cách viết. “Đêm hoa vàng” là tiếng lòng của một thi sĩ giàu trải nghiệm, giàu suy cảm về cuộc đời.
Thơ Bình Nguyên Trang chủ yếu được viết theo lối tự do, khoáng đạt. Lời thơ nhẹ nhàng, nữ tính, sâu sắc giàu nội cảm. Đó là những suy tư, trăn trở về tình yêu, về tuổi trẻ, về thời gian đã đi qua không thể nào trở lại. Những nỗi buồn về năm tháng vụt trôi, những đủ đầy và khuyết thiếu được thể hiện qua bút pháp vừa hồn nhiên vừa già dặn của một người viết có nghề. Người đọc có cảm giác những câu thơ hiện ra “ kéo” người cầm bút đi trong mạch nguồn cảm xúc dâng đầy, trong mùi hương quyến dụ đang dần tàn phai, úa rụng, trong cảm thức “đêm hoa vàng” bung nở. Nhiều hình ảnh đẹp được thể hiện khi Bình Nguyên Trang viết về những ký ức thời thanh xuân: “Nắng chất vấn ta về tuổi trẻ/ Những tháng năm lộng lẫy qua rồi”, hay “Ta biết mình còn nợ xa xưa/ Buồn không hết cơn mưa, vui ngày không cạn đáy” (Có thể một sáng nào ngủ dậy). Cảm thức thời gian đến từ những câu thơ như: “Dù tôi hiểu tình yêu rồi sẽ mất/ Trách làm sao khi lá kia từ biệt” (Nguyện cầu Tháng Tám), “Biển đừng cạn và anh đừng vắng mặt/ Đừng để em nhìn thấu trái tim người” (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống) “Nhưng cái chết mỗi phút giây đều tới/ Không trừ ai ngay cả con đường” (Con đường).
Bình Nguyên Trang luôn có cuộc trở về với những điều đã mất trong quá khứ bằng “giấc mơ vô thức” – một trạng thái kiểu như không thể cưỡng lại, vừa gần gũi, vừa xa xôi, như là định mệnh không thể chối bỏ. Những suy tư chiêm nghiệm đầy sức gợi trong lòng người đọc: “Em tìm anh, tìm anh / mắt hồ thu lưu lạc / sau cánh cửa ngày lại ngày tóc rụng / em dò dẫm bóng mình trong bóng tối hoang mang / ôi tình yêu / người ở đâu sau ấm lửa tàn tro / ta đã đến giữa đời nhau, đã vui buồn hai nửa / không thể nào khớp lại thành vui” (Tìm). Đó là những câu thơ trầm buồn pha chút cô đơn, cô độc. Buồn như người đàn bà ngồi bên khung cửa bằng đôi mắt thăm thẳm hồ thu.
Thơ khởi lên từ tiếng lòng khi chạm vào đời sống, tình yêu, thân phận và việc viết có lẽ là hành động thả trôi muộn phiền. Cái kỳ diệu của tình yêu là được nhớ, được cô đơn, được đau khổ. Chúng ta chẳng níu giữ chân người, như những cánh hoa rơi xuống mặt hồ nước. Xét đến cùng, tình yêu đôi khi cũng chỉ như những khoảnh khắc vụt qua đời nhau rồi tan biến vào hư vô. Giá trị của tình yêu còn lại được xác định bằng sự trân trọng nhau, nghĩ về nhau chứ không phải là sự đau khổ của tình yêu. Triết gia người Pháp Albert Camus đã từng nói “Không có tình yêu vĩnh cửu, mà chỉ có phút giây vĩnh cửu của tình yêu”. “Đêm hoa vàng” chính là sự kiếm tìm những phút giây vĩnh cửu đó.
“Đêm hoa vàng” của Bình Nguyên Trang được chia 2 phần, nếu phần 1 là cảm thức thời gian trong tình yêu, thì phần 2 biên độ được mở rộng. “Niệm” là tên gọi chung cho những thi phẩm được tạo sinh từ những rung chấn tâm hồn, từ những va đập vào đời sống, những ẩn ức từ quá khứ cần được giải tỏa để tìm về chốn bình yên, thanh tịnh. Ở phần thứ 2 này, thơ của chị đậm chất Thiền, đậm tinh thần Phật giáo. Cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ, người viết tìm đến thơ để giãi bày, chia sẻ, sống với những trạng thái và liền sau đó là bỏ lại, dù hạnh phúc, dù buồn đau, dù muộn phiền. “Đêm ta nghe/ Trong tiếng gió từ biệt mùa thu/ nhắc rằng, vậy đấy/ Yêu thương có khi được viết bằng từ bỏ/ đừng ôm/ đừng mang theo” (Rồi sớm mai)
Ở nhiều bài thơ của Bình Nguyên Trang trong phần “Niệm”, độc giả có thể khám phá những hình ảnh đa chiều trong tâm thức để được chạm vào cảm xúc nội tại của chính mình. Nhiều hình ảnh gõ cửa vào lòng trắc ẩn con người, khai mở cho con người được nói tiếng nói của chính mình, vượt thoát ra khỏi sự im lìm đóng kín bấy lâu nay. “Thần phật ở đâu / khi những ngôi chùa giải thiêng và tâm hồn chúng ta hoang phế / đường về nhà đã không còn lối / ám ảnh mê lầm như bão dội / soi gương mà không thể nhớ ra gương mặt của mình” (Chùa ở đâu); “Kinh kệ làm chi nếu để mẹ buồn / mẹ đã già rồi như gió lắt lay…/ xin cảm ơn người – Phật của riêng tôi / từ mẹ mà đi con thấu phận người” (Đoản khúc dâng mẹ). Phần “Niệm”, như một hơi thở nhẹ vọng về từ quá khứ, chứa đựng những thanh âm rất sâu, thanh tẩy tâm hồn cho những ngày tốt đẹp, an yên “Đừng ôm lấy quá khứ / để nó có cơ hội ra đi / như sông kia mỗi buổi nước lại về…” (Rồi sớm mai). Không có quá khứ thì con người không có kỷ niệm, nhưng mỗi người trong chúng ta có lẽ cũng cần một sự vượt thoát, ở ngoài mọi dính mắc để sống nhẹ nhàng hơn. Bình Nguyên Trang dường như muốn nói với chúng ta rằng, quá khứ chỉ là một gạch nối để chúng ta quay về, nhắc nhớ những điều sâu thẳm trong trái tim mình mà thôi.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang
Có thể nói, thơ là khoảng lặng trong tâm hồn, đã là khoảng lặng thì không phải ai cũng dễ đọc, dễ nghe, dễ thấy. Nhiều bài thơ của Bình Nguyên Trang trong tập “Đêm hoa vàng” với lối viết tự do đôi khi khiến người đọc phải im lặng tập trung mới có thể cắt nghĩa, giải mã được điều chị muốn nói. Sự đa nghĩa này rất cần thiết vì nó có thể đưa đến nhiều điểm nhìn khác nhau, để bạn đọc có thể là người đồng hành sáng tạo cùng tác giả.
Đêm hoa vàng mở ra miền giao cảm rộng lớn và tôi tin rất nhiều người muốn được sở hữu nó. Chất thơ trong Đêm hoa vàng là những diễn biến nội tâm, khát khao tìm đến cái tôi bản thể, tìm đến những điều đã mất, nhưng không phải nhằm mục đích giữ lại, mà để thả trôi theo dòng chảy đời sống. Như nữ thi sĩ đã nhắn gửi: Hãy cứ để cánh hoa trôi theo dòng nước, chỉ mùi hương thấm vào ta là đủ.
Thơ là nơi cứu cánh của tâm hồn, cuộc sống có quá nhiều mảng màu và chỉ có thành thật mới là con đường dẫn lối tới thơ, như “Những chiếc lá đi ngang qua chiều / chầm chậm mùi hương dẫn lối”. Đọc Bình Nguyên Trang, có thể thấy chị là người có trái tim nhạy cảm, chan chứa yêu thương với tiếng gọi từ tâm khảm “Trôi trong trưa ai về cõi nhớ / không gian thơm mùi cỏ vô thường / bàn tay mở bao đường vân số phận / tư lự buồn đôi mắt thế nhân” (Trôi trong trưa).
Bình Nguyên Trang từ lâu đã là cái tên quen thuộc trong lòng độc giả. Chị viết sớm, và có ảnh hưởng không nhỏ đến bạn đọc cùng thế hệ, từ những năm còn ngồi ghế giảng đường đại học. Tập thơ đầu tay của chị được xuất bản năm chị 18 tuổi, 20 tuổi từng giành giải nhất cuộc thi sáng tác “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong. Sau này Bình Nguyên Trang viết nhiều thể loại, truyện ngắn, truyện ký, tản văn… nhưng có lẽ thơ vẫn là mối tình sâu đậm nhất đối với chị.
“Đêm hoa vàng” đáng đọc, mang đến cho bạn đọc nhiều suy nghiệm về cái đẹp trong cuộc đời, ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Tác giả từng chia sẻ trên trang cá nhân: “… Một cánh hoa vàng để lại chút dư ảnh trên dòng nước cũng có thể (biết đâu đấy) là một tiếng gọi. Tri âm cũng có thể nhận ra nhau từ đấy”. Vâng. Tri âm là những bạn đọc trung thành và thấu hiểu lòng mình, Bình Nguyên Trang đang có điều này.
Đinh Tiến Hải