Không chỉ là biểu tượng, có một loại cá chép còn là “thuốc” bổ phổi, ăn vào những ngày trời rét đậm rất tốt sức khỏe.
Dinh dưỡng trong thịt cá chép
Trong mỗi 100g thịt cá chép tươi có chứa: 17,6g protid; 4,1g lipid; 25mg vitamin A; 0,09mg vitamin B2; 2,7mg vitamin PP; 1,27mg vitamin E; 33mg Mg; 2,08mg Zn; 15,38mg Se. Trong đó, thành phần protein amino axit trong cá chép tương đương với thành phần protein amino axit mà cơ thể cần, rất dễ dàng để hấp thụ. Nó là dạng chất đạm chất lượng cao, chất xơ tốt, hàm lượng nước nhiều hơn, do đó thịt rất mềm và tinh mịn.
Cá chép rất tốt cho sức khỏe phổi.
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (làm việc tại TPHCM), cá chép rất tốt cho sức khỏe phổi, là loại thực phẩm có thể hỗ trợ chữa ho lâu ngày không khỏi. Nó có đặc tính chống viêm, giảm nhẹ viêm đường hô hấp, giàu dinh dưỡng nên giúp trị ho, phổi khỏe và cơ thể nhanh hồi phục hơn.
“Những người bị viêm phế quản, suy hô hấp mãn tính hoặc những bệnh liên quan đến phổi, đường hô hấp, rất nên ăn cá chép hàng ngày để nhanh hồi phục sức khỏe”, BS Đông y Nguyễn Hữu Trường nói.
Điều này rất hữu dụng trong tình hình thời tiết thực tế tại miền Bắc khi trời rét đậm rét hại kéo dài, gây ảnh hưởng sức khỏe phổi cũng như nguy cơ bệnh đường hô hấp tăng cao. Ăn cá chép trong thời điểm này sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Không những thế, cá chép còn rất tốt cho sức khỏe nói chung, nhất là với phụ nữ. Trong y học cổ truyền, cá chép có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều protein và nhiều vitamin. Ăn cá chép đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ (lợi tiểu tiêu phù, thông sữa, tạo cảm giác thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa). Chính vì vậy, dùng cá chép chữa bệnh cũng rất tốt. Đây cũng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ.
Cá chép giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Lưu ý: Khi ăn cá nói chung cũng như cá chép nói riêng cần đảm bảo ăn chín. Tuyệt đối không ăn cá chép tươi sống vì cho rằng rất bổ dưỡng.
Nguyên nhân bởi, hầu như tất cả các loài cá đều bị nhiễm ký sinh trùng một cách tự nhiên, nếu không nấu chín thì không thể tiêu diệt các kí sinh trùng, giun sán… Do đó cần đảm bảo ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn dạng tái sống, gỏi cá…
Một số món ăn bài thuốc từ cá chép
Cá chép hầm gạo nếp: Có tác dụng an thai, bổ khí huyết, ôn tỳ vị, trừ mỏi mệt, thiếu máu, lợi sữa. Cá chép một con 250 g, gừng một lát, gạo nếp 200 g. Cá luộc chín tẩm rượu rồi cho táo gừng vào cháo nhừ.
Canh cá chép với táo: Kiện tỳ, dưỡng huyết, trợ thai sinh trưởng. Cá chép một con 500 g, đại táo 40 g. Cá làm sạch cho táo, cho ít muối vào nấu chín. Ăn cả và uống dần nước canh. Ăn tuần một lần, liên tục 2-3 lần.
Cá chép nấu canh đậu đỏ (hạt nhỏ): An thai bổ máu, lợi tiểu tiêu thũng. Cá chép để nguyên vảy một con 500 g, nấu cùng 150 g đậu đỏ cho nhừ để ăn cái và nước.
Cháo cá chép đậu xị: Có tác dụng an thai, lợi tiểu, kiện tỳ, dưỡng vị. Cá chép một con 500 g, đậu xị 10 g, hành 2 cây, gạo nếp 200 g. Luộc cá lấy nước, cá bỏ xương, nấu cháo. Cháo nhừ cho đậu xị, hành, nấu sôi lại, chia 2 lần để ăn.
Cá chép, a giao chữa động thai: Cá chép một con 500 g, a giao (sao) 20 g, gạo nếp 100 g, nước vừa đủ, nấu cháo gần chín cho gừng, vỏ quýt, muối. Ăn liền một tuần thì khỏi.
Cháo cá chép, rễ gai: Có tác dụng an thai chữa mỏi lưng, phù thũng: Cá chép tươi một con (400-500 g), rễ cây gai 15 g, gạo nếp 100 g, cá chép làm sạch nấu lấy nước bỏ xương. Rễ gai sắc lấy nước bỏ bã. Lấy nước cá, nước rễ gai nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần, một liệu trình 3-5 ngày.
Cá chép chữa được nhiều loại bệnh.
Cháo cá chép, hành, nghệ: Có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, lợi sữa: Cá chép một con 500 g, gạo tẻ 100 g, 2 cây hành, bột nghệ, rượu vang, gia vị. Cá chép làm sạch ướp rượu, bột nghệ, rồi luộc chín lóc bỏ xương lấy nạc và nước. Nấu cháo nhừ mới cho nước luộc cá, hành, gia vị vào, nấu sôi lại. Ăn vào buổi sáng và tối (trong Bản thảo cương mục không dùng nghệ mà lại dùng gừng và trần bì).
Canh cá chép, đẳng sâm, hoàng kỳ: Bổ tỳ, kiện vị, lợi tiểu, tiêu phù, an thai, lợi sữa. Cá chép một con 500 g làm sạch, đẳng sâm 15 g, hoàng kỳ 50 g, cho vào túi rồi cùng cá nấu canh (để lửa nhỏ, lâu cho nhừ).
Canh cá chép, bạch truật: Kiện tỳ, lợi thủy, dưỡng huyết, an thai. Cá chép một con 500 g, bạch truật 15 g, phục linh 15 g, đương quy, bạch thược, gừng tươi mỗi thứ 10 g. Cá chép đánh vảy bỏ ruột, mang. Các vị thuốc bỏ vào túi vải, cùng nước 1.500 ml, cá nấu chín. Ăn cá uống canh.
Canh cá chép đen: Kiện tỳ, thảm thấp, lợi tiểu, hết phù, an thai. Cá chép đen một con khoảng 500 g, xích tiểu đậu 100 g, bạch truật 20 g, tang bạch bì 15 g, trần bì 10 g, hành hoa 3 cây. Cá chép làm sạch. Trước hết nấu xích tiểu đậu với 2 lít nước cho nở. Các vị thuốc khác cho vào túi vải rồi cho cá cùng vào nồi có đậu, ninh đến khi đậu nhừ thì cho hành, không cho muối. Ăn cá trước rồi ăn đậu, sau uống canh, ngày 3 lần thì hết.
Canh cá chép đỗ trọng: Ôn dương, bổ thận, lợi tiểu, tiêu thũng, chữa phù, đau lưng. Đuôi cá chép to 500 g, đỗ trọng 30 g, câu kỷ tử 30 g, can khương (gừng khô) 10 g. Cá chép làm sạch nấu chung với túi bỏ 3 vị thuốc. Hầm một giờ chia 2 lần ăn trong ngày cả cá và nước (bỏ bã thuốc), cũng có thể ăn hằng ngày hoặc cách ngày. Ăn 5-7 lần liền, nghỉ một thời gian rồi dùng tiếp.
NT (theo khoahoc.tv)