“Tôi tin tưởng rằng, những giá trị và đóng góp của Văn học Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại”.
Hòa thượng Chủ tịch nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Văn học Phật giáo Việt Nam 2.000 năm: Vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu”, sáng 12/1, tại thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Thay mặt Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp bài và tham gia của 124 nhà nghiên cứu trong hội thảo quan trọng này.
“Với những giá trị to lớn của mình, văn học Phật giáo Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Nhân Hội thảo này, tôi đề nghị quý Tăng, Ni và các học giả tập trung vào 4 vấn đề chính: Tầm quan trọng của văn học Phật giáo Việt Nam, những thành tựu và hạn chế trong việc nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam, những nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm trong thời gian tới, nghiên cứu bản dịch các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam sang các ngôn ngữ khác”, Hòa thượng Chủ tịch nói.
Theo Hòa thượng, văn học Phật giáo Việt Nam nhờ sự đa dạng, phong phú, bao gồm kinh luận, truyện, thơ ca, ca dao, tục ngữ, nên việc nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc Việt Nam, tiếp thu những giá trị tinh thần cao đẹp của Phật giáo, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngài nhận định, văn học Phật giáo Việt Nam đã mang đến cho người Việt Nam những giá trị tinh thần cao đẹp gồm tư tưởng nhân văn, tư tưởng đạo đức, tư tưởng giải thoát, giúp người Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, hướng đến những điều thiện lành, tốt đẹp.
Dịp này, Hòa thượng đã giới thiệu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, văn học, tư tưởng của văn học Phật giáo Việt Nam trong suốt 2.000 năm qua, bao gồm: (1) Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát, (2) Văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội do GS. Trần Hữu Tá và HT.Thích Giác Toàn chủ biên, (3) Văn học Phật giáo Việt Nam: Thành tựu và hướng nghiên cứu mới do GS.Đoàn Lê Giang và TS.Nguyễn Công Lý chủ biên; (4) Bộ sách văn học Phật giáo Việt Nam do TT.Thích Phước Đạt và TT.Thích Hạnh Tuệ làm chủ biên.
Nhận thấy việc nghiên cứu về văn học Phật giáo Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thống kê đầy đủ về các tác phẩm văn học kể cả về số lượng, nội dung, thể loại, Hòa thượng Chủ tịch khuyến khích tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề còn hạn chế, như: thống kê đầy đủ các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu sâu sắc về phong cách nghệ thuật, ảnh hưởng của văn học Phật giáo Việt Nam đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam.
“Văn học Phật giáo Việt Nam là kho tàng văn học quý giá, cần được giới thiệu rộng rãi ra thế giới. Nghiên cứu bản dịch các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam sang các ngôn ngữ khác giúp chúng ta giới thiệu văn học Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, Chủ tịch GHPGVN bày tỏ.
Được biết, Hội thảo “Văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm: Vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu” do Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, những lời vàng của Ngài được kết tập trong Tam tạng Thánh điển với 12 thể tài, được truyền tụng, ghi nhớ bằng phương pháp khẩu truyền. Cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II Tây lịch, Thánh điển của Đức Phật được ghi lại bằng ngôn ngữ Pāli ở Tích Lan, bằng Sanskrit và Prakrit ở Ấn Độ. Dòng văn học Phật giáo có mặt từ đây. Trải qua hơn 20 thế kỷ, văn học Phật giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong nền văn học thế giới và góp phần đáng kể vào kho tàng văn hóa nhân loại.
Hòa thượng Viện trưởng cho rằng, tại Việt Nam, Phật giáo đã hiện diện và gắn bó với dân tộc 2.000 năm qua, các bậc Tổ sư, Thiền sư và các học giả Phật tử đã không ngừng đóng góp trí tuệ cho nền văn học nước nhà.
Theo Hòa thượng Giác Toàn, đây chính là nguồn kinh thư vô giá, hàm chứa thông điệp từ bi, trí tuệ, nhân bản, vô ngã, vị tha và mang đậm tính nghệ thuật trong sáng, chân mỹ, làm cho đời sống tinh thần người Việt văn minh, ý nghĩa.
Hội thảo có 4 phiên thảo luận chuyên đề riêng, chia theo nhóm chủ đề: Văn học Phật giáo Việt Nam: Vấn đề văn bản và thư tịch; Văn học Phật giáo và loại hình tác giả Thiền sư; Văn học Phật giáo và loại hình tác giả nhà Nho; Văn học Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và khu vực.
Hội thảo nhận được 129 bài tham luận xoay quanh 4 chủ đề trên; có 40 bài được lựa chọn trình bày tại 4 phiên thảo luận.
Nguồn: chutichghpgvn.vn