Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thị trường hồi phục – Cơ hội mới cho các doanh nghiệp”, nhằm chỉ ra những cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Tham dự Tọa đàm có đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), đại diện HOSE, lãnh đạo Trung tâm Lưu ký Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế cấp cao, các CEO doanh nghiệp đầu ngành.
Sau khi nền kinh tế có thời gian giảm sâu khi chịu tác động mạnh mẽ từ biến động tài chính trong và ngoài nước do dịch COVID-19, cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện, đến nay thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc hoạt động để tập trung phát huy với những điểm mạnh, đồng thời hạn chế các điểm yếu.
Chỉ số VN-Index có hiệu suất tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Thanh khoản thị trường đã liên tục bùng nổ và đạt mức trung bìnhh hơn 20.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 08/2023 (tương đương giai đoạn đỉnh cao của TTCK ở năm 2021), qua đó phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối 2023. Bên cạnh đó, sự trở lại của nhà đầu tư trong nước cũng như môi trường lãi suất thấp cùng với kết quả kinh doanh cải thiện là các yếu tố chính thu hút dòng tiền vào TTCK.
Với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng hiện đã giảm xuống dưới mức 6% có thể khiến cho sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm giảm bớt. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tiếp tục có sự gia tăng tích cực trong thời gian tới khi TTCK có khả năng thu hút thêm dòng tiền mới đi tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tháng 8/2023, thị trường đón thêm 188,165 tài khoản chứng khoán mở mới, mức cao nhất trong vòng 11 tháng. Con số này gấp 5 lần so với đầu năm 2023 và gấp 2 lần so với cuối năm 2022.
Niềm tin của nhà đầu tư đã có sự cải thiện tích cực trong thời gian qua khi bối cảnh chính sách tiền tệ có khuynh hướng nới lỏng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm sẽ là động lực thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán.
So với các quốc gia trong khu vực thì VN-Index đang có mức tăng trưởng EPSfw ở vùng khá hấp dẫn. Điều này có ý nghĩa tích cực với việc thu hút dòng vốn ngoại, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới.
M.T