Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021 do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%). Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá đây là ngành nghề sôi động với cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ nước ngoài.
Đặc biệt, với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ AI, và công nghệ nhiệt hạch cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán, qua đó nâng chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho khách hàng
Théo các chuyên gia đánh giá, năm 2023, kinh tế nước ta sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Bộ Công Thương cũng lạc quan nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội. Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cũng cho thấy, 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới. Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sẽ tăng đầu tư vào thị trường bán lẻ, tăng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo đà phát triển trong tương lai. Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cũng thông tin: “Năm 2022, WinMart đã mở rộng quy mô bằng việc khai trương hàng trăm siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Đến nay, hệ thống bán lẻ WinMart có hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/Win tại 63 tỉnh, thành phố”.
Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương từ nay đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử… sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm; quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế…
Theo baodansinh.vn