Tại chương trình, Ông Lê Duy Anh, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại – Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã trở thành một kênh mua sắm dễ tiếp cận, có phạm vi xuyên biên giới, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát; đây là loại hình kinh doanh tiên tiến, là xu thế phát triển không thể đảo ngược, là kênh thương mại vô cùng thuận lợi để chủ thể quyền tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ diễn ra trên môi trường internet, cụ thể là thương mại điện tử đang có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, bên cạnh sử dụng các kênh phân phối hiện đại này thì làm thế nào để quản lý, giám sát được hoạt động của nó đang được thị trường và người tiêu dùng quan tâm rất nhiều.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế số toàn cầu đang tăng trưởng với tốc tộ nhanh chóng hơn bao giờ hết. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Bởi đây là bước chuyển tất yếu và mang tính bắt buộc hiện nay.
Đặc biệt trong công tác chống hàng giả, chuyển đổi số là bước đi quan trọng để doanh nghiệp nâng cấp công nghệ chống giả, bảo vệ thương hiệu và loại bỏ các loại hàng hóa giả mạo, hàng kém chất lượng tinh vi. Đồng thời, chuyển đổi số còn là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao hiệu quả toàn chuỗi cung ứng.
Chia sẻ những giải pháp từ việc ứng dụng công nghệ số trong chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái từ rất lâu, hiện nay CHG đã triển khai thêm nhiều ứng dụng mới như đầu tư thêm nhà máy, công cụ để sản xuất con tem chống hàng giả loại mới, hiện đại nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện hàng hóa và góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mới đây, Công ty Vina CHG đã mở rộng đầu tư mở xây một nhà máy sản xuất tem chống giả trên bao bì. Theo ông Hồng, việc dùng tem chống giả trên bao bì sẽ giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí cho chống hàng giả. Vì trước đây thay vì phải dán tem chống giả trên từng sản phẩm thì bây giờ có thể tiết kiệm bằng việc dán trên một bao bì.
Bên cạnh đó, CHG cũng đã tập trung thiết kế một phần mềm để truy vết nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp truy vết kho. Vì hệ thống đại lý quản lý tốt thì sẽ không có chuyện tuồn hàng giả vào.
Để bảo vệ tài sản trí tuệ, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung, như: Xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận SHTT trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thường xuyên tra cứu cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn các hành vi xác lập quyền có khả năng gây xung đột với quyền SHTT đã xác lập của doanh nghiệp bằng cách nộp đơn phản đối cấp văn bằng bảo hộ sau khi đơn được công bố.
Bên cạnh đó, thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Mỹ Thanh