Sáng 1/12, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức buổi giới thiệu giao lưu ra mắt tác phẩm “Hành trình tử thần – Ghi chép từ nước Anh” của Nhà báo Đào Duy Bình.
Nhà báo Đào Duy Bình chia sẻ, “Hành trình tử thần – Ghi chép từ nước Anh” bắt đầu được ghi chép từ tấn thảm kịch ngày 23/10/2019 khiến cả thế giới rúng động khi phát hiện thi thể 39 người Việt (29 đàn ông, 8 phụ nữ và 2 thiếu niên 15 tuổi) trong một container đông lạnh tại Khu công nghiệp Waterglade (Hạt Essex); và khép lại là sự kiện tiếp tục làm chấn động nước Anh ngày 7/5/2022, khi một xưởng gỗ ở khu nhà Bismark House Mill tại Oldham, Manchester bị cháy với bốn người Việt mất tích mà “mọi hướng điều tra đều dẫn đến nạn buôn người”.
Tác phẩm đã dựng lại chi tiết với những bằng chứng xác đáng về con đường thống khổ, có lúc hiểm nguy, có lúc tủi nhục mà mỗi nạn nhân đã phải trải qua trên con đường mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù họ phải đánh đổi bằng tiền bạc, sức khỏe, hạnh phúc, bằng nước mắt, máu và thậm chí cả sinh mạng của mình… Tác phẩm kể lại sâu sắc, đầy cảm xúc, gây bất ngờ và không gì chân thực hơn từ những người trong cuộc về cuộc sống của đồng bào ta qua những cái tên và những phận người nơi đất khách: trốn trong thùng xe container vượt biển, hoặc sống lay lắt ở sâu trong một khu rừng miền Bắc nước Pháp để chờ cơ hội “nhảy cóc”, chui liều vào xe container để vượt biên… Đây không chỉ là thiên phóng sự điều tra của một nhà báo, mà còn là tài liệu xã hội học đáng tin cậy, cung cấp những trường hợp điển hình (case study) cho các nhà khoa học, và những ai thực sự quan tâm đến một trong những vấn đề toàn cầu ngày nay – di cư và hội nhập!
Tác phẩm là những trang sách lôi cuốn và xúc động bằng tâm huyết và được Nhà báo Đào Duy Bình thực hiện trong vòng 12 năm, với 4 lần đến nước Anh và nhiều chuyến trở về đất Việt. Đây cũng là những sẻ chia, những cảm thông và là lời cảnh báo, những góc nhìn và cả những câu hỏi chưa lời giải đáp về một “hành trình” đáng lý không nên có trên con đường mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Cuốn sách như một lời “tri ân”, bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sư hy sinh, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, luôn hướng về gia đình, người thân, đồng bào của hàng triệu người nhập cư Việt Nam trên khắp thế giới.
Mỹ Thanh