Quan Hóa – mảnh đất mường Ca Da cổ với những câu chuyện kì bí của cộng đồng các dân tộc thiểu số là những ưu thế để nơi đây trở thành địa điểm du lịch cộng đồng độc đáo của tỉnh Thanh Hóa. Bản Bút, xã Nam Xuân là địa danh du lịch mới đang được nhiều du khách lựa chọn.
Bản Bút cách thị trấn Hồi Xuân khoảng 10 km, nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn, bao quanh là hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh nên khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đây là nơi định cư của 105 hộ dân tộc Thái. Người dân bản Bút phát triển du lịch cộng đồng nhờ sự kết hợp hài hoà giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc riêng. Những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này.
Đây cũng là bản tiên phong trong công tác xây dựng làng văn hóa của xã và là bản đầu tiên được công nhận là bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. Hiện nay, UBND xã Nam Xuân đã lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Bút làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay.
Hồ Pha Đay là điểm nhấn của khu du lịch cộng đồng Bản Bút. Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang. Với diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200 m so với mực nước biển, hồ Pha Đay được bao bọc giữa rừng cây trên núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Hồ bản Bút mang trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, sự mềm mại của làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây, khi lại sắc trắng của những đám mây. Mặt hồ quanh năm như chiếc gương khổng lồ gom những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng. Đây là nơi phù hợp cho những tour du lịch sinh thái, cắm trại, khám phá và cho các phượt thủ cơ hội trải nghiệm lý tưởng.
Thuyền độc mộc là phương tiện đặc trưng đưa du khách du ngoạn, thưởng lãm cảnh đẹp nên thơ của vùng lòng hồ.
Đường lên hồ Pha Đay chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc khi dựng đứng lên bầu trời, lúc lại uốn lượn quanh co ôm chặt vào sườn núi. Phải là những tay lái “ra hoa” (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân) thì mới dám cầm lái cùng du khách vượt dốc. Mặc dù vậy nhưng đường lên hồ không hề nguy hiểm nên nó mang lại cảm giác thoải mái, hứng thú cho du khách.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Thái bản Bút còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, như: trò chơi tó lẹ, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co… Bà con bản Bút còn gìn giữ văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, như: xôi ngũ sắc, cá suối nướng, cá đồ, thịt lợn cỏ, gỏi cá dốc, cơm lam, bánh ú… Các thôn, bản đều có hương ước, quy ước.
Năm 2019 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút nhằm đa dạng các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Với những giá trị văn hóa, ẩm thực đa đạng và độc đáo, sự nỗ lực của địa phương cùng tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái, bản Bút có nhiều tiềm năng để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai.
Ông Hà Công Chức, Trưởng bản Bút cho biết: Làm du lịch là hướng đi mới, một cách làm kinh tế mới nên còn nhiều sự bỡ ngỡ từ xã đến bản đến các hộ gia đình. Nhưng phát triển du lịch chắc chắn sẽ giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương giúp đời sống bà con ngày càng phát triển.
Nằm trên địa bàn xã Nam Xuân cách bản Bút không xa, “hang Ma” (hang Phi) là địa danh du lịch được nhiều du khách khám phá. Nơi đây có nhiều núi đá vôi và rừng nguyên sinh bao bọc. Do hang Ma có dòng sông Luồng chảy qua, uốn khúc theo hình chữ S nên nó đã tạo thành một vòm hang rộng lớn.
Hang Ma còn gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn của đồng bào dân tộc Thái về việc trong lòng hang chứa hàng trăm bộ xương người. Bởi ở cuối hang hẹp nên đã có rất nhiều người đi bè bị nước hất văng vào vách đá, cũng đã có người chết hoặc gãy chân, tay.
Cách bản Bút 10 phút đi xe máy là thác Đun – một thác nước đẹp trải dài từ lưng bản Nam Tân lên đến chân bản Đun Pù (Nam Xuân). Nơi đây là điểm đến lý tưởng vào những ngày hè nóng nực. Dưới chân thác có nhiều bến tắm đẹp, là điểm vui chơi của lũ trẻ trong bản vào mùa hè.
Xã Nam Xuân phấn đấu đến năm 2023 thu hút hơn 800 lượt khách, năm 2025 có hơn 2000 lượt khách (trong đó 60% là khách lưu trú ít nhất 1 đêm). Năm 2023 tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt từ 250 triệu đồng trở lên. Năm 2025 tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt trên 800 triệu đồng,… Trong đó du lịch bản Bút là trọng tâm.