Ngày 14/9 tại TP.HCM, Qualcomm Technologies Inc., công ty con trực thuộc Tập đoàn Qualcomm, đã công bố Top 3 công ty chiến thắng Vòng Chung kết mùa giải thứ hai của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm® Việt Nam (QVIC).
Ba công ty khởi nghiệp được chọn vào Vòng Chung kết sau khi trình bày những đổi mới sáng tạo và kết quả của chương trình ươm tạo trước Hội đồng Ban giám khảo là các chuyên gia trong ngành. Các công ty chiến thắng của chương trình nhận được giải thưởng: giải nhất trị giá 100.000 USD, giải nhì trị giá 75.000 USD và giải ba trị giá 50.000 USD. Bên cạnh đó, các công ty bước vào Vòng Chung kết Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 (QVIC 2022) đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Qualcomm thông qua chương trình ươm tạo về kỹ thuật và kinh doanh, khuyến khích nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, tăng cơ hội kết nối trong ngành, tham khảo ý kiến cố vấn từ các chuyên gia, hỗ trợ chi phí cùng nhiều sự hỗ trợ khác.
Năm 2019, QVIC được ra mắt với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mục tiêu ươm tạo các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy tiềm năng. Chương trình QVIC tạo điều kiện phát triển Hệ sinh thái công nghệ mới nổi của Việt Nam bằng cách phát hiện và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, IoT (Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và công nghệ đa phương tiện… sử dụng các công nghệ và nền tảng di động tiên tiến của Qualcomm Technologies.
Ông Alex Rogers – Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm mảng Bảng quyền công nghệ (Qualcomm Technology Licensing) và Hợp tác đối ngoại chia sẻ, xin chúc mừng các công ty vào Vòng Chung kết năm nay với những Thử thách đổi mới sáng tạo và đã thành công trong việc tạo ấn tượng cho Hội đồng Ban giám khảo QVIC 2022. Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Qualcomm cam kết hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ đang phát triển của Việt Nam”.
“Tôi rất vui mừng khi thấy kết quả của chương trình QVIC năm nay. Thật tuyệt vời khi năm nay chúng tôi có thể trực tiếp tổ chức Vòng Chung kết tại TP. Hồ Chí Minh. Suốt hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho thế giới thấy sự cần thiết của việc kết nối thông qua nền tảng công nghệ. Mỗi công ty khởi nghiệp này đều gây ấn tượng với chúng tôi với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự nhạy bén trong kinh doanh của họ. Tôi mong đợi được nhìn thấy sự phát triển và thành công không ngừng của họ”, Bà An Chen, Phó chủ tịch Kỹ thuật, Tập đoàn Qualcomm cho biết.
Trong năm vừa qua, 3 công ty chiến thắng Vòng Chung kết QVIC 2022 và 7 công ty khác trong danh sách Top 10 đã nỗ lực cạnh tranh trong chương trình QVIC và thử thách bản thân trong việc phát triển công nghệ mới và cung cấp sản phẩm qua các giai đoạn của chương trình như: Giai đoạn nộp hồ sơ; Thông báo danh sách các công ty vượt qua Vòng Sơ tuyển; Giai đoạn Ươm tạo; Vòng Chung kết và sau chương trình QVIC.
Tại vòng chung kết, MiSmart đã đạt giải nhất với giải thưởng trị giá 100.000 USD. Mismart cung cấp giải pháp drone tích hợp AI giúp giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu tự động nhằm tăng năng suất, hiệu quả góp phần hiện đại hoá, tự động hoá nền nông nghiệp – nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Giải nhì thuộc về VPTech với giải thưởng trị giá 75.000 USD. Dự án VPTech’s RAY là dự án cung cấp thiết bị DAC/AMPLIFIER di động thuộc dòng sản phẩm âm thanh cao cấp đầu tiên “sản xuất tại Việt Nam”. Chất lượng âm thanh được tinh chỉnh ở mức chip bởi VPTech kết hợp với công nghệ truyền âm thanh không dây lossless của Qualcomm đem đến âm thanh chất lượng cao nhất, mang lại cho ngừoi nghe những bản nhạc với độ chân thực, đầy đủ sắc thái và cảm xúc.
Giải ba: GraphicsMiner với giải thưởng trị giá 50.000 USD. GraphicsMiner tạo ra bộ đồ chơi rô bốt bằng giấy bìa cứng đi cùng với nền tảng tương tác thực tế ảo (AR) dành cho trẻ em trên khắp thế giới để chơi và học tập. Đây là giải pháp có giá thành rẻ, thông minh và thân thiện với môi trường, giúp học sinh tiếp cận số hóa ngay từ thời gian học tập và vui chơi của mình.
Kể từ khi thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 2003 và sau đó tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2014, Qualcomm Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong cách mọi người kết nối, tính toán và giao tiếp ở Việt Nam – bao gồm việc sử dụng 2G, 3G, 4G và bây giờ là 5G. Qualcomm Việt Nam đã hợp tác thành công với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà khai thác mạng di động hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm, và gần đây đã hỗ trợ các ngành và Chính phủ hiện thực hóa chính sách Công nghiệp 4.0 với mục tiêu “Make in Vietnam”.
Cuộc thi QVIC 2023 vào năm sau đã được mở đăng ký. Để biết thêm thông tin hoặc đăng ký, vui lòng truy cập: https://www.qualcomm.com/company/locations/vietnam/vietnam-innovation-challenge#qvic-2023
Về Qualcomm
Qualcomm là nhà sáng tạo công nghệ không dây hàng đầu thế giới, thúc đẩy sự phát triển, thương mại hóa và mở rộng của mạng 5G. Khi chúng ta sử dụng điện thoại để kết nối Internet, một cuộc cách mạng của thế giới di động đã ra đời. Ngày nay, các nền tảng công nghệ của chúng tôi kích hoạt hệ sinh thái di động để có mặt trong mọi điện thoại thông minh 3G, 4G và 5G. Chúng tôi mang lại lợi ích của thiết bị di động đến với các ngành công nghiệp mới, bao gồm ô tô tự động hóa, Internet vạn vật (IoT) và tin học, dẫn đến một thế giới nơi con người và vạn vật có thể giao tiếp và tương tác liền mạch.
Tập đoàn Qualcomm bao gồm Qualcomm Technology Licensing (QTL) sở hữu phần lớn danh mục bằng sáng chế, đầu tư và phát triển bản quyền công nghệ. Qualcomm Technologies, Inc (QTI) và các công ty con, đảm trách gần như tất cả các hoạt động nghiên cứu, phát triển cũng như các sản phẩm và dịch vụ kinh doanh của Tập đoàn, bao gồm cả doanh nghiệp bán dẫn (QCT).
Qualcomm là nhãn hiệu hoặc nhãn hiệu đã đăng ký của Tập đoàn Qualcomm. Các sản phẩm của Qualcomm thuộc sở hữu của Qualcomm Technologies, Inc. và / hoặc các công ty con của chúng tôi.
Mỹ Thanh