Bình quân 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64% thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%).
Ngày 29/8, Tổng cục Thống kê cho biết, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64% thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm tăng 2,58%. Ảnh: VTV.vn
Trong mức tăng 0,005% của CPI tháng 8/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%. Chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 1,51% so với tháng trước do trong tháng 8/2022 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học.
Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,05%, bút viết các loại tăng 1,38%, giá vở, giấy viết các loại tăng 1,02% so với tháng trước.
Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó, lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 1,33%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%), tác động CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm).
Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,27% do nhu cầu tiêu dùng cao, đồng thời giá nguyên liệu sản xuất đồ uống tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%; nhóm giao thông giảm 5,51% (làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm).
Cũng trong tháng 8, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 25/8/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.787,59 USD/ounce, tăng 3,2% so với tháng 7/2022 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát của Mỹ cao còn kéo dài và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay tăng thêm lãi suất trong thời gian tới nên tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2022 giảm 0,9% so với tháng trước; tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.
Chỉ số giá USD tăng 0,18%. Theo đó, đồng USD trên thị trường thế giới chủ yếu giảm trong các ngày đầu tháng 8/2022 trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát tăng cao. Tính đến ngày 25/8/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 106,5 điểm, giảm 0,26 điểm so với tháng trước.
Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.528 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 8/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.
Theo Tieudung.vn