1. Tự ý dùng kháng sinh
Nhiều người cho rằng uống kháng sinh sẽ nhanh chóng giảm các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, cúm A là bệnh do virus nên kháng sinh không có tác dụng. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi có bội nhiễm.
Ngoài ra, việc tự ý dùng kháng sinh có thể gây các tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí có thể dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh.
Cúm A khiến trẻ mệt mỏi, sốt, hắt hơi, sổ mũi…
2. Tự ý dùng thuốc Tamiflu (kháng virus)
Hiện nay, thuốc tamiflu được sử dụng và biết đến khá phổ biến trong cộng đồng. Nhiều người coi tamiflu như thần dược, nên cứ hắt hơi, sổ mũi, ho, mệt mỏi… là tìm mua loại thuốc này về tự điều trị.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân cúm nào cũng phải dùng tamiflu. Ở các trường hợp mắc cúm nhẹ (chiếm khoảng 80-90% các trường hợp cúm A), có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
3. Kết hợp quá nhiều thuốc
Khi bị cúm A, trẻ thường bị sốt, hắt hơi, sổ mũi… do đó, các bậc cha mẹ thường tìm các loại thuốc trị cúm, giảm đau, hạ sốt để điều trị các triệu chứng này. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc có thể vô tình làm tăng liều thuốc, do thành phần của nhiều loại thuốc trị ho, hắt hơi, sổ mũi có chứa paracetamol. Nếu dùng paracetamol quá liều có thể gây ngộ độc gan. Do đó, khi dùng thuốc cho trẻ cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.
4. Tự ý ngừng dùng thuốc
Đây là một sai lầm nhiều bậc cha mẹ mắc phải khi chăm con ốm, không chỉ có mắc cúm mà nhiều bệnh khác, khi các triệu chứng bệnh ở trẻ thuyên giảm, cha mẹ đã tự cho trẻ ngưng dùng thuốc. Trong khi đó, các triệu chứng bệnh thuyên giảm chưa chắc virus trong người trẻ đã bị tiêu diệt hết. Việc uống không hết đơn thuốc, tự ý ngưng dùng thuốc có thể khiến cho virus nhanh chóng quay trở lại khiến bệnh của trẻ tái phát. Nhiều trường hợp, trẻ bị bệnh nặng hơn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
5. Tự ý tăng, giảm liều thuốc
Có nhiều trường hợp, khi thấy trẻ uống thuốc không khỏi đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ. Đây là một sai lầm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Việc tăng liều thuốc trị cúm cho trẻ có thể khiến trẻ nhờn thuốc, thậm chí có thể gây ngộ độc thuốc.
6. Dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc
Tuyệt đối không dùng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm cho trẻ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, cũng không nên cho trẻ “xông hơi” bằng cách đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi. Việc làm này khiến bệnh trầm trọng hơn do gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức ở trẻ, từ đó suy giảm sức đề kháng, thậm chí có nguy cơ bỏng nặng.
Làm gì khi trẻ mắc cúm?
Trẻ mắc cúm có thể tiến triển nặng khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, chăm sóc trẻ bị cúm là điều rất quan trọng:
– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
– Cho trẻ ăn đủ chất, nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa: Bột, sữa, cháo, nước hoa quả…
– Giữ trẻ ở phòng thoáng.
– Mặc quần áo nhẹ, mềm thoáng, mát.
– Tránh tiếp xúc đông người.
– Có thể tắm nhanh bằng nước ấm, thay quần áo nếu trẻ không sốt.
-Tiêm phòng cúm là một trong những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa cảm cúm ở trẻ cũng như các đối tượng dễ mắc bệnh khác