Trong khi phim ngoại chiếu rạp Việt Nam mùa hè này vẫn thắng về lượng vé bán ra và đạt doanh thu cao thì phim Việt lại èo uột, đa số lỗ vốn.
Khởi chiếu từ 1.7 tại Việt Nam, tính đến chiều 26.7, bộ phim hoạt hình MỹMinions: The Rise of Gru đã có doanh thu hết sức ấn tượng: hơn 178 tỉ đồng. Bộ phim này chỉ sau 10 ngày khởi chiếu đã cán mốc 100 tỉ đồng doanh thu và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Trong những ngày qua, hầu hết suất chiếu Minions: The Rise of Gru trên toàn quốc khán giả đều phủ kín ghế ngồi, ở nhiều khung giờ khác nhau.
Thor: Tình yêu và sấm sét của Mỹ chiếu từ 7.7 thu về gần 114 tỉ đồng. Bộ phim hoạt hình Nhật Bản Thám tử lừng danh Conan: Nàng dâu Halloweencũng đang thu hút khán giả khi chiếu từ 22.7 đã bán được 30 tỉ đồng tiền vé. Ngoài ra còn các phim có tổng doanh thu cao ở Việt Nam như Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon (49 tỉ đồng), Phi công siêu đẳng Maverick (28 tỉ đồng).
Phim Minions: The Rise of Gru đạt doanh thu hơn 178 tỉ đồng tại phòng vé Việt. ĐPCC
Trong khi đó, phim Việt kết hợp cùng ê kíp Thái Là mây trên bầu trời của ai đó đang chiếu rạp (từ 22.7) chỉ thu được 431 triệu đồng. Ngay cả phim được đánh giá là “bom tấn” với kinh phí hơn 50 tỉ đồng, chất lượng khá là Em và Trịnh chiếu từ 10.6 đến nay cũng chỉ đạt 97,1 tỉ đồng, dù số lượng suất chiếu được các rạp ưu ái dành nhiều nhất, nhưng số vé bán ra lại không cao nhất.
Trước đó vài tháng, phim Kẻ thứ ba của Lý Nhã Kỳ đầu tư hơn 33 tỉ đồng chỉ thu về vỏn vẹn 962 triệu đồng. Phim 578: Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng kinh phí lên tới hơn 60 tỉ đồng nhưng sau hơn 15 ngày công chiếu chỉ thu được 3,5 tỉ đồng. Phim Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh khi rời khỏi các rạp cũng chỉ đạt doanh thu 1,1 tỉ đồng. Phim thiếu nhi Maika – cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần do hãng BHD và Cục Điện ảnh kết hợp sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT-DL chiếu rạp Việt từ 27.5 chỉ thu về được có 6,4 tỉ đồng. Mến gái miền tây có Hoài Linh, Đại Nghĩa, Võ Đăng Khoa đóng… thu được 7,6 tỉ đồng. Bộ phim từng đoạt 3 giải tại Liên hoan Điện ảnh châu Á Người lắng nghe ra rạp đầu tháng 3 chỉ chiếu được hơn 1 tuần ở nhiều rạp và đành phải cắt suất do ít khán giả, dừng lại với doanh thu 2,2 tỉ đồng…
Những số liệu trên được lấy từ thống kê độc lập ở phòng vé toàn quốc của trang Box office Vietnam. Rõ ràng khi so sánh, đối chiếu doanh thu giữa các phim Việt và phim ngoại đang chiếu tại Việt Nam có thể thấy được rằng khán giả hiện tại không hề thờ ơ với rạp chiếu phim, chỉ là không lựa chọn xem phim Việt nhiều.
Maika – cô bé đến từ hành tinh khác thu về được 6,4 tỉ đồng
Vì sao phim Việt thất bát ?
“Khi các cụm rạp dồn suất chiếu cho phim Việt, và có thời điểm hoàn toàn không có phim bom tấn ngoại, vẫn chưa thấy phim Việt có một sự bứt phá nào về doanh thu từ cuối năm ngoái đến nay. Có phải khán giả đang quay lưng với phim Việt?”; “Nể sự sáng tạo của các nhà làm phim ngoại, các nhà làm phim Việt nên tự chiêm nghiệm tư duy của mình”; “Trên sân nhà mà phim hoạt hình, phim thiếu nhi lẫn phim đủ thể loại của Việt Nam mình để thua liểng xiểng phim ngoại về doanh thu, dù Minions: The Rise of Gru chỉ được đánh giá là xem giải trí vui vẻ, không quá xuất sắc cả về nội dung lẫn đột phá kỹ thuật hình ảnh. Với kiểu phim của VN làm theo phong trào hay thời vụ, nội dung nhạt thếch, diễn xuất hời hợt không đi vào lòng người thì còn phải chờ lâu lắm mới có phim thắng lớn về doanh thu”…, đông đảo khán giả đã sôi nổi nêu ý kiến ở các diễn đàn về điện ảnh như Yêu Điện ảnh, Box Office Vietnam Group, Cuồng phim-Review, Review phim có tâm…
Chủ rạp Mega GS, nhà sản xuất Bích Liên thẳng thắn: “Thật ra doanh thu phim Việt thấp là bởi đa số phim Việt hiện không có chất lượng nổi bật, nhiều phim dở dẫn đến khán giả mất lòng tin nên không chọn xem nữa”.
Nhà sản xuất Hoàng Quân của ProductionQ chia sẻ: “Chi phí sản xuất phim hiện nay tăng cao do tiền nhân công, thiết bị, khâu làm hậu kỳ tăng. Phim kinh phí lớn chưa chắc đã là phim hay, nhưng để phim có chất lượng chắc chắn phải đầu tư nhiều tiền. Một phim thương mại bình thường hiện giờ kinh phí giá chót cũng hơn 20 tỉ đồng. Khán giả là người chi tiền, họ có quyền chọn tác phẩm yêu thích. Họ có lý do riêng và những phim phù hợp thị hiếu người xem sẽ đạt lợi nhuận cao”. Quả thật, để tìm được doanh thu đủ để hòa vốn hoặc có lãi (nếu tính kinh phí trung bình của 1 phim Việt thông thường hiện nay khoảng 25 – 30 tỉ đồng) cho một bộ phim Việt ra rạp hiện nay là khá khó, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Chẳng hạn nhu cầu giải trí của khán giả sau dịch Covid-19 có thể đã thay đổi, họ ít đến rạp hơn vì có nhiều thứ khác để giải trí trên mạng: Facebook, YouTube…; sự phong phú, đa dạng của kênh phim trực tuyến xem tại nhà và lý do quan trọng nhất là khán giả lựa chọn kỹ tính hơn, trong khi thực tế các phim Việt vừa ra mắt có chất lượng chưa tốt, chưa đáng để khán giả bỏ thời gian, tiền bạc ra rạp xem.
Đạo diễn, nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn nói: “Thành công phòng vé của một bộ phim đến từ nhiều yếu tố như chất lượng, thời điểm phát hành, công tác truyền thông, thị hiếu người xem… tuy nhiên rõ ràng chất lượng phim, chiều sâu để tạo được cảm xúc cho khán giả luôn là yếu tố then chốt, mà điều này lại vốn đang là điểm yếu của các nhà làm phim Việt, nên khán giả không mặn mà lắm khi bỏ tiền mua vé xem phim Việt là dễ hiểu”.
Đạo diễn Luk Vân nêu ý kiến: “Người làm phim hiện tại phải chú trọng nâng cao chất lượng hơn vì chỉ có chất lượng mới thuyết phục khán giả chọn xem phim của mình. Còn không, phim sẽ bị đào thải ngay và lâu dài kéo theo hệ lụy là khán giả sẽ quay lưng với phim Việt”.
Theo Phan Cao Tùng/TNO