Việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay bất động sản là một trong các nhóm vấn đề Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội, dự kiến chiều 8/6.
Tại báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
“Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản “là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát”.
Bà phân tích, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62%.
Vì thế, ngành ngân hàng đang giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống.
Bất động sản khu đông TP HCM, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần |
Bà Hồng cho biết, các hoạt động thanh tra, kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản đang được cơ quan chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước tiến hành. Việc này nhằm xử lý kịp thời những vi phạm trong cấp tín dụng, đưa ra khuyến nghị hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng.
Định hướng tới đây, Thống đốc nói, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Còn nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở thương mại giá rẻ… thì khuyến khích.
Cơ quan này sẽ tăng thanh tra, giám sát chặt việc cấp tín dụng bất động sản để kịp có giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/5, tín dụng tăng 8,04% so với cuối 2021, và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, sức ép tăng trưởng tín dụng lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố, như đầu tư công giải ngân vẫn còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng năm 2022-2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày càng tăng, tỷ lệ tín dụng trên GDP đã ở mức cao, khiến điều hành tín dụng gặp nhiều thách thức.