Hội nghị liên kết ngành và đối thoại chính sách tại tỉnh Đồng Tháp năm 2021 nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số – Động lực từ thanh niên khởi nghiệp”.
Hành trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hội LHTN tỉnh Đồng Tháp và các sở ngành địa phương tổ chức nhằm kết nối HST khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam.
Hội nghị liên kết ngành và đối thoại chính sách nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, thanh niên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp; giúp các nhà khởi nghiệp tham gia Hành trình có được kỹ năng, kiến thức và sự kết nối cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn suy thoái kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang tác động lên toàn cầu. Hội nghị cũng hướng đến việc huy động, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị liên kết ngành và đối thoại chính sách với nội dung chính là “Diễn đàn: Chuyển đổi số – Động lực từ Thanh niên khởi nghiệp” nhằm tăng cường sự kết nối, giao lưu đối thoại giữa đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ các thông tin về các mô hình khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số thành công, trao đổi về vai trò của thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số tại địa phương, cũng như hiến kế để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số dựa trên nền tảng các lĩnh vực kinh tế then chốt của địa phương.
Đồng Tháp đã tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ Nông sản an toàn; chương trình Mỗi xã một sản phẩm; Hội chợ, triển lãm ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế thời gian tới tại địa phương, sẽ tập trung vào chủ yếu là Nông nghiệp và đặc biệt quan tâm đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào để nâng cao giá trị và năng suất. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, tỉnh luôn dành sự quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sắp tới đây, tỉnh sẽ hình thành Trung tâm khởi nghiệp để kịp thời hỗ trợ.
Tại hội nghị, Anh Huỳnh Minh Thức, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên thời gian qua đã tạo nên một phong trào sâu rộng, có tính lan tỏa cao và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên có tâm lý nghi ngại, sợ thất bại, chưa mạnh dạn khởi nghiệp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất, kinh doanh chưa nhiều để tạo ra những sự khác biệt về sản phẩm. Ngoài ra, các mô hình khởi nghiệp, kinh tế tập thể trong thanh niên tuy có tăng về số lượng, nhưng chất lượng có nơi còn hạn chế, quy mô chưa lớn, tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa thật sự bền vững. Nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu…
Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành bày tỏ trăn trở, tại địa phương, đối tượng cần quan tâm trong phong trào khởi nghiệp là thanh niên nông thôn. Bởi lẽ, trong thực tế, thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ khá lớn, muốn giữ chân họ, đồng thời xây dựng lực lượng thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt của tổ chức Đoàn thì cần tạo được mô hình kinh tế cụ thể. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn về vốn, kỹ năng, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp thành công là sự quyết tâm, bền chí và tinh thần dám dấn thân của thanh niên.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST nói chung và ứng dụng chuyển đổi số trong các dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên nói riêng tại tỉnh Đồng Tháp và các địa phương lân cận. Chẳng hạn như:
Đại diện Hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng: trong thời gian tới, tỉnh cần định hướng tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trưởng thành trở thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa; có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, chú trọng khởi nghiệp trong một số ngành đang có có lợi thế và tiềm năng.
Trong khi đó, đại diện Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Đồng Tháp không nên cầu toàn về những điều kiện hoàn hảo, lý tưởng, không quá đặt nặng vào những mục tiêu ngoài tầm với mà chia ra thành từng giai đoạn, với giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng Tháp cần chú trọng, quan tâm đến việc phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường; từ những sản phẩm có tiềm năng, sẽ áp dụng những công nghệ, mô hình quản trị mới, thích ứng với cuộc cách mạng số.
Chuyên gia cho rằng: cần đưa ĐBSCL vào địa bàn ưu tiên trong chương trình khởi nghiệp quốc gia. Trong đó, ý tưởng về khởi nghiệp ở ĐBSCL là trọng tâm các ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hệ sinh thái nước ngọt, ven biển, trồng rừng ven biển,…) chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, thành lập mới các viện nghiên cứu, kể cả các trường đại học có khả năng nghiên cứu về giống, công nghệ sinh học, ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp và thủy sản. Cần có cơ chế và chính sách cụ thể để khuyến khích các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình ươm tạo cho doanh nghiệp của vùng đồng bằng.
Song song với đó, trong 2 ngày, tại Đồng Tháp đã diễn ra Triển lãm trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, hầu hết các gian hàng đều thu hút được sự quan tâm của khách tham dự. Triển lãm đã tạo điều kiện cho các startup trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông… xúc tiến giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quảng bá thương hiệu, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm tại thị trường tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh của các startup; giúp startup nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn ban hành ngày 10/4/2019.
Thảo Vy